Đề nghị này của Bộ Tài chính có liên quan đến câu chuyện tồn đọng số lượng lớn các container là lốp ô tô cũ ở các cảng biển, đặc biệt là khu vực Hải Phòng được nhập khẩu theo hình thức tạm nhập, tái xuất mà Bộ Công thương chính là nơi cấp giấy phép loại hình kinh doanh này.
Theo thống kê của cơ quan Hải quan, tới ngày 1/3/2015, cảng Hải Phòng tồn đọng 2.442 container, cảng Cái Lân (Quảng Ninh) tồn đọng 34 container và tại TP. HCM tồn đọng 28 container mặt hàng lốp ô tô đã qua sử dụng.
Lý do tồn đọng là bởi chủ hàng không chịu đến làm thủ tục nhập khẩu hàng. Tên người nhận hàng trên các chứng từ vận tải được thống kê chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất.
Dù mặt hàng lốp ô tô đã qua sử dụng không phải là chất thải nguy hại theo điều chỉnh của Công ước Basel, nhưng lại thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tính chất hàng hóa cồng kềnh, trọng lượng lớn, nên xử lý hàng hóa tồn đọng tốn nhiều thời gian, nhân lực và chi phí. Thậm chí khi tiêu hủy có ảnh hưởng đến môi trường.
Bởi vậy để hạn chế tình trạng tồn đọng hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất nói chung, và với mặt hàng lốp ô tô đã qua sử dụng nói riêng, Bộ Tài chính đã phải lên tiếng đề nghị tạm dừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất với mặt hàng này.
Được biết, trong giai đoạn 2010-2012, Bộ Công thương đã cấp không ít giấy phép cho kinh doanh tạm nhập, tái xuất với mặt hàng lốp ô tô đã qua sử dụng.
Đặc biệt chỉ trong 1 ngày 26/6/2012, Thứ trưởng Bộ Công thương khi đó là ông Nguyễn Thành Biên đã ký 31 giấy phép cho các doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức tạm nhập tái xuất với nhiều mặt hàng, trong đó đa phần là lốp ô tô đã qua sử dụng với số lượng tới gần 400.000 chiếc. Các cửa khẩu được doanh nghiệp lựa chọn để kinh doanh tạm nhập tái xuất là Hải Phòng và Cái Lân và Móng Cái (Quảng Ninh).