Bên ngoài tòa nhà Bộ Tài chính Mỹ ở Washington, D.C. Ảnh: AFP |
Trong một thông báo được theo dõi chặt chẽ vào chiều 30/10, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ sẽ tìm cách vay 776 tỷ USD, thấp hơn mức 1,01 nghìn tỷ USD nợ tư nhân mà bộ này đã vay trong quý III, mức cao nhất từ trước cho quý đó.
Mức vay quý IV/2023 của Bộ Tài chính Mỹ thấp hơn kỳ vọng của Phố Wall. Trước đó, các chiến lược gia tại JPMorgan Chase dự đoán Bộ Tài chính Mỹ sẽ vay vào khoảng 800 tỷ USD.
Tháng 7/2023, Khi Bộ Tài chính Mỹ công bố nhu cầu vay tăng cao, nó đã tạo ra một cơn sốt trên thị trường trái phiếu, đẩy lợi suất trái phiếu lên mức cao nhất kể từ năm 2007 - thời điểm manh nha cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Thị trường cố phiếu sau đó đã suy giảm phần nào, nhưng nhìn chung vẫn duy trì mức tăng tích cực sau thông báo vay quý III của Bộ Tài chính. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hầu hết tăng cao hơn.
Thị trường đang lo ngại về tác động của lợi suất cao hơn và nhu cầu vay của chính phủ Mỹ cũng như chính sách hạn chế của Cục dự trữ liên bang (Fed) làm trầm trọng thêm những lo ngại đó.
Các quan chức Mỹ cho rằng nhu cầu vay thấp hơn của chính phủ Mỹ là do doanh thu cao hơn, được bù đắp phần nào bởi chi phí lớn hơn.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ dự kiến sẽ vay 816 tỷ USD trong quý I/2024, tức là quý tài chính thứ hai của chính phủ. Con số đó cao hơn ước tính của Phố Wall khi JPMorgan dự tính chính phủ Mỹ sẽ tìm kiếm khoản vay 698 tỷ USD. Khoản vay hàng quý của chính phủ Mỹ lập kỷ lục vào quý II/2020 khi mức vay đạt gần 2,8 nghìn tỷ USD trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ dự kiến sẽ duy trì số dư tiền mặt 750 tỷ USD trong cả hai quý.
Các thị trường đang chờ đợi thông báo ngày 1/11 từ Bộ Tài chính Mỹ, trong đó nêu chi tiết quy mô của các cuộc đấu giá, thời gian phát hành và thời hạn của chúng. Cuối ngày hôm đó, Fed sẽ kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày và phần lớn các nhà giao dịch đang kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định.
Thông báo mức vay quý IV/2023 của Bộ Tài chính được đưa ra 10 ngày sau khi chính phủ Mỹ công bố thâm hụt ngân sách năm tài chính 2023 sẽ rơi vào khoảng 1,7 nghìn tỷ USD, tăng khoảng 320 tỷ USD so với năm trước. Một bản tóm tắt kinh tế kèm theo chỉ ra rằng tăng trưởng của nước này vẫn mạnh mẽ trong khi lạm phát đã hạ nhiệt, mặc dù vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Tuy nhiên, tuyên bố cũng chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ có khả năng giảm tốc mạnh, giảm xuống còn 0,7% trong quý IV/2023 và chỉ đạt 1% cho cả năm 2024.
Giới phân tích quốc tế lo ngại, làn sóng trái phiếu ngày càng gia tăng sẽ gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu và đưa đến một triển vọng "cực kỳ nguy hiểm" cho thị trường cổ phiếu.
Ông David Neuhauser, Giám đốc đầu tư Livermore Partners nhấn mạnh rằng kỷ nguyên mới của lãi suất cao hơn đã khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt, cản trở lợi nhuận của các nhà đầu tư và làm đảo lộn thị trường trong một thập kỷ rưỡi qua.
Đánh giá tình trạng trên sẽ tác động ra sao đến thị trường chứng khoán, ông Neuhauser nhận định: "Tôi nghĩ nó cực kỳ nguy hiểm vào thời điểm này". "Chúng ta đang ở trong thế giới đầy rủi ro, trong gần 15 năm, thị trường trái phiếu luôn ở trong tình trạng tăng trưởng và lãi suất âm trong vài năm".
Trên thực tế, trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ - một phần quan trọng của hệ thống tài chính toàn cầu - lợi suất trái phiếu đã tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đã ghi nhận lợi suất đạt mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2011. Còn tại Nhật Bản, nơi lãi suất vẫn dưới 0%, lợi suất trái phiếu đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2013.
"Tôi nghĩ điều đó sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế trong tương lai", ông Neuhauser nhận định.