Đây không phải lần đầu tiên, bộ này đề xuất trao chức năng điều tra, khởi tố cho cơ quan thuế tương tự như cơ quan công an, biên phòng, hải quan, kiểm lâm. Năm 2012, khi sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, đề xuất này đã được trình Quốc hội, song chưa được chấp thuận vì lo ngại việc có quá nhiều cơ quan có quyền điều tra, khởi tố sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
. |
Thực tế hàng năm, cơ quan thuế phát hiện khoảng 4.000 vụ gian lận thuế, trốn thuế, nhưng chỉ có khoảng 40 vụ trốn thuế, chiếm đoạt ngân sách nhà nước bị khởi tố. Tính riêng năm 2017, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế đã tăng thu cho ngân sách nhà nước hơn 15.437 tỷ đồng, nhưng chỉ có rất ít vụ án bị khởi tố.
Đáng nói hơn là khi thanh tra, kiểm tra 734 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết (chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt 2.271 tỷ đồng, nhưng không đối tượng nào bị truy tố trước pháp luật.
Có thể nói, với cơ chế quản lý thuế hiện nay, ngoại trừ những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, không ít lãnh đạo doanh nghiệp vẫn có tâm lý trục lợi chính sách thuế. Hệ quả là cơ quan thuế cứ thanh tra, kiểm tra; nếu phát hiện doanh nghiệp nào gian lận thuế thì truy thu, truy hoàn, xử phạt hành chính.
Thực tế đã xuất hiện trường hợp doanh nghiệp liên tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở rộng địa bàn hoạt động, nhưng nhiều năm liền vẫn khai báo lỗ, không đóng một xu vào ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp nào gặp “vận đen”, bị cơ quan thuế phát hiện gian lận thuế, trốn thuế qua thanh tra, kiểm tra… lúc đó mới chấp hành xử phạt, rồi lại tìm cách gian lận. Đơn giản vì họ hiểu rằng, dù có tái phạm nhiều lần, thì lãnh đạo doanh nghiệp đó cũng chưa chắc bị truy tố trách nhiệm hình sự do cơ quan thuế không có quyền điều tra, khởi tố họ tội gian lận, trốn thuế. Doanh nghiệp cũng không quá ngại cơ quan công an điều tra, truy tố vì trong hàng ngàn hồ sơ nghi vấn gian lận thuế được cơ quan thuế gửi sang, cơ quan công an chỉ có thể xử lý được một lượng nhất định do nghiệp vụ điểu tra, thu thập thông tin, xác minh chứng cứ, chứng minh tội phạm thuế mất rất nhiều thời gian, trong khi cơ quan này còn rất nhiều việc khác phải xử lý.
Về bản chất, điều tra thuế là việc cơ quan thuế thực hiện quyền tố tụng về thuế trong trường hợp người nộp thuế cố tình trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Cơ quan thuế chỉ được điều tra khi phát hiện ra hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên hoặc pháp nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế nhiều lần, bị kết án tội trốn thuế, nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Khi phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cơ quan thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (áp dụng từ ngày 1/1/2018) có chế tài xử lý nghiêm tội phạm về thuế. Theo đó, cá nhân vi phạm mức độ nhẹ cũng phải chấp hành án tù 3 tháng, nặng thì 7 năm, thậm chí còn bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản; pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tới 10 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Chế tài xử phạt tội phạm gian lận thuế, trốn thuế có thể nói là khá nghiêm, nhưng tác dụng răn đe chưa lớn nếu để kéo dài tình trạng doanh nghiệp cứ gian lận, cơ quan thuế cứ truy thu, xử phạt; doanh nghiệp chấp hành kết luận thanh tra, kiểm tra và lại tiếp tục gian lận. Chính vì vậy, đã đến lúc cần xem xét, nghiên cứu trao thêm quyền cho cơ quan thuế nhằm góp phần ngăn chặn kịp thời, tăng tính răn đe và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trốn thuế.