Thời sự
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang: Tăng cường ký hiệp định dẫn độ tội phạm
Nguyễn Lê - 26/11/2024 14:02
Một trong những vấn đề khó khăn trong đấu tranh chống các tội phạm tham nhũng chức vụ trong giai đoạn hiện nay là có một số đối tượng sau khi phạm tội đã trốn ra nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang báo cáo giải trình.

Hồi âm ý kiến đại biểu về việc truy bắt một số đối tượng sau khi phạm tội đã trốn ra nước ngoài chưa hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết đang tăng cường ký hiệp định liên quan đến chuyển giao người bị kết án phạt tù, đến dẫn độ tội phạm về nước.

Sáng 26/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo phòng chống tội phạm, tham nhũng.

Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) một trong những vấn đề khó khăn trong đấu tranh chống các tội phạm tham nhũng chức vụ trong giai đoạn hiện nay là có một số đối tượng sau khi phạm tội đã trốn ra nước ngoài. Việc truy bắt một số đối tượng này vẫn chưa hiệu quả là có nguyên nhân do giữa nước ta vào một số nước khác chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp.

Việc ký các hiệp định tương trợ tư pháp cần được đặt ra như thế nào thì báo cáo của Chính phủ cũng chưa nêu rõ. Đồng thời, Chính phủ chưa đặt ra việc tổng kết, việc triển khai Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký với các nước khác để từ đó đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng tham nhũng đang trốn ở nước ngoài. Ông Thịnh nhận xét và  đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới nội dung này trong thời gian tới.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng; tiếp tục vận động đầu thú, truy bắt các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài.

Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, đang tăng cường ký hiệp định liên quan đến chuyển giao người bị kết án phạt tù, đến dẫn độ tội phạm về nước.

“Căn cứ theo từng nước chúng tôi cũng đang dần dần làm từng bước và thời gian vừa qua có những nước chưa bao giờ dẫn độ tội phạm sang nước khác nhưng đã hợp tác với chúng ta và đã đưa những đối tượng dẫn độ về nước. Thời gian tới, trên tinh thần này chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ có những hiệp định liên Chính phủ để thực hiện nội dung này trong thời gian tới tốt hơn”, Bộ trưởng nói.

Về phòng chống tội phạm nói chung, một số vị đại biểu bày tỏ lo ngại trước thực trạng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật của người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Toàn quốc phát hiện 5.216 vụ, 15.243 đối tượng, trong đó hơn 30% là nữ.

“Vẫn thường xuyên xảy ra những vụ việc thanh thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công cộng và thông qua mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn lẫn nhau. Chưa bao giờ mà người làm cha, làm mẹ phải lo lắng nhiều đến như vậy”, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, về cơ bản, năm 2024, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm giữ vững, tội phạm và vi phạm pháp luật ở nước ta cơ bản được kiểm soát tốt; môi trường xã hội được duy trì an ninh, an toàn. Đây là nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp, trong đó có lực lượng thực thi pháp luật, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới và khu vực đang rất bất ổn trong tình hình hiện nay.

Song, theo Bộ trưởng, vẫn còn một số hạn chế như các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã nêu, có những tồn tại, hạn chế đã được các đại biểu chỉ ra từ nhiều năm trước, dù hệ thống chính trị nói chung, lực lượng công an nói riêng đã rất nỗ lực, cố gắng song chưa thể khắc phục được ngay.

Nêu một số nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng nói, tình hình về kinh tế - xã hội dù đã có sự phục hồi mạnh mẽ, song về cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc hoạt động cầm chừng còn nhiều, dẫn tới tình trạng thiếu việc làm, xu hướng dịch chuyển cơ cấu lao động từ thành thị về nông thôn, trong khi nhu cầu nhân lực của khu vực này có hạn chế dẫn đến tình trạng thừa lao động, nhất là trong độ tuổi thanh niên.

Đây là một trong những nguyên nhân phát sinh tội phạm, nhất là nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu như trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở những khu vực nông thôn, miền núi tăng cao trong năm nay, Bộ trưởng nhìn nhận.

Nguyên nhân thứ hai, theo Bộ trưởng là sự suy thoái về đạo đức xã hội. Đây là hệ lụy tích tụ từ nhiều năm do mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhất là do dòng văn hóa phẩm ngoại lai không được kiểm duyệt chặt chẽ trên các nền tảng mạng xã hội. Một trong những biểu hiện của việc này đó là tội phạm, nhất là tội phạm trẻ em, tội phạm chống người thi hành công vụ, các hành vi vi phạm pháp luật bắt chước người nổi tiếng lan truyền trên mạng tiếp tục có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây.

Nguyên nhân tiếp theo được Bộ trưởng đề cập là hiệu quả công tác phòng ngừa chung, nhất là phòng ngừa xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra. Nhiều mâu thuẫn là cơ sở không được chính quyền, các tổ chức xã hội ở địa phương phát hiện, tháo gỡ kịp thời, nhất là các mâu thuẫn do liên quan đến tranh chấp đất đai dẫn tới xảy ra một số vụ giết người, nhất là giết người thân gây đau lòng và bức xúc trong dư luận.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật chưa thực sự phát huy được hiệu quả tối đa, hình thức và đối tượng có thời điểm còn chưa phù hợp, dẫn tới việc một số đối tượng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết, nhiều hành vi vi phạm pháp luật hành chính có khung xử lý còn thấp, chưa thể hiện được tính nghiêm minh, răn đe. Thậm chí, một số bộ phận người dân có biểu hiện coi thường pháp luật, sẵn sàng chấp nhận bị xử lý nếu bị phát hiện, nhất là trong vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Người đứng đầu ngành công an cũng đề cập nguyên nhân áp lực ngày càng cao trong công tác điều tra, xử lý tội phạm của các cơ quan tư pháp nói chung, lực lượng công an nói riêng. Các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng không gian mạng, luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, hoạt động xuyên biên giới gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.

Tin liên quan
Tin khác