Nhà đầu tư nước ngoài sốt ruột chờ Quy hoạch điện VIII chính thức
Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rất sốt ruột khi Quy hoạch Điện VIII vẫn chưa được thông qua.
Theo họ, việc chậm thông qua Quy hoạch điện VIII, cơ chế mua bán điện trực tiếp từ nhà máy sản xuất đến hộ tiêu thụ công nghiệp (DDPA) đã ảnh hưởng tới quyết định mở rộng đầu tư tại nhiều doanh nghiệp.
Cho biết “một số dự án đã phải ngừng mở rộng do chưa đáp ứng được yêu cầu này”, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiêp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận xét, năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư, tăng trưởng kinh tế, và các doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này.
Nhà đầu tư nước ngoài mong sớm có Cơ chế mua bán điện trực tiếp từ nhà máy sản xuất đến hộ tiêu thụ công nghiệp (DDPA) |
Để gỡ nút thắt này, DPPA được các doanh nghiệp cho là giải pháp. Theo đó, Việt Nam cần có cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong khu công nghiệp được phép tham gia.
"Chúng tôi đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu dùng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU", Chủ tịch EuroCham kiến nghị.
Còn ông Greb Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cũng nhận xét rằng, các thành viên Amcham quan ngại về sự thiếu ổn định trong chính sách phát triển điện và muốn Việt Nam đẩy nhanh quá trình cấp phép các dự án năng lượng sạch.
Theo đại diện Amcham, Chính phủ cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển Điện VIII, cơ chế DDPA để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là nhà máy trong khu công nghiệp được phép tham gia hơp đồng mua bán điện trực tiếp. Điều này sẽ tác động tích cực vào tính cạnh tranh ngành năng lượng Việt Nam.
“Amcham mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển hệ thống pin dự trữ điện trong Quy hoạch điện VIII, việc thông qua cơ chế DPPA và có kế hoạch cho phép các công ty có cam kết cao trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch tham gia vào quá trình này”, ông Greb Testerman.
Cho biết, “Việt Nam đang thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư chất lượng cao và nhiều trong số họ đã cam kết thực hiện lộ trình trung hoà carbon nên cần được tiếp cận năng lượng tái tạo sớm”,Giám đốc điều hành khu vực ASEAN (Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN - USABC), ông Michael Michalak mong muốn các thủ tục xét duyệt dự án điện được đơn giản, rút ngắn hơn.
"Cần ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết và ban hành Quy hoạch điện VIII", vị này nói.
Đã đầu tư lớn vào ngành điện trong 12 năm qua, ông Joseph Frank Uddo III, Chủ tịch Tập đoàn AES cũng bày tỏ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Hiện Fluence, liên doanh giữa AES và Siemens, đang sản xuất pin khối lưu trữ (Fluence Cube) tại Việt Nam và xuất khẩu sang nhiều thị trường trên toàn thế giới, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu.
Vì vậy AES cũng cho rằng, hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) là yếu tố hỗ trợ thực sự cho một hệ thống truyền tải năng động hơn và tích hợp năng lượng tái tạo.
“Dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện tại cũng thừa nhận nhiều vấn đề về kết nối lưới điện, xây dựng hệ thống truyền tải và sự mất cân đối cung - cầu giữa các vùng miền. Chúng tôi đặc biệt khuyến nghị Việt Nam nên lập kế hoạch phát triển thêm BESS từ nay đến năm 2030 trong Quy hoạch điện VIII. Ngoài ra, cũng cần có các chính sách mở đường cho việc phát triển BESS và hỗ trợ một vài dự án quy mô tương đối để có thể chứng minh giá trị của BESS đối với các đơn vị vận hành lưới điện tại Việt Nam”, đại diện Tập đoàn AES cho hay.
Phối cảnh một dự án điện khí LNG tại miền Trung |
Cũng bởi đang phát triển một số dự án điện khí tại Sơn Mỹ (Bình Thuận), nên AES cũng hy vọng rằng công cuộc cải cách hành chính đang diễn ra tại Việt Nam sẽ giúp đơn giản hóa và rút ngắn quy trình xem xét phê duyệt cho các dự án năng lượng hiện tại và tương lai nói chung và dự án điện tái tạo nói riêng.
Bộ trưởng Công thương: Quy hoạch điện VIII đã cơ bản được hoàn thiện
Theo phản hồi của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, do tính chất phức tạp, vừa phải khắc phục tồn tại trong quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch trước đó, vừa bị tác động nhiều chiều cả điều kiện hoàn cảnh trong nước, cả những cam kết quốc tế nên Quy hoạch điện VIII là một trong số ít quy hoạch ngành, quốc gia của Việt Nam được triển khai từ năm 2019 và tới nay đã cơ bản được hoàn thiện.
“Trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, chúng tôi có ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, cả điện mặt trời, điện gió cả trên bờ và ngoài khơi, rồi điện sinh khối, cũng như các nguồn điện Việt Nam có lợi thế, thực hiện mục tiêu chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệu điện than, nhiệt điện khí bằng các hình thức đốt kèm, phát triển các ngành sản xuất mới như là hydro, pin năng lượng sạch. Chúng tôi đang triển khai xây dựng các cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái, cơ chế mua bán điện trực tiếp”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang cùng với tư vấn gấp rút hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng phê chuẩn chậm nhất là trung tuần tháng 5 năm nay.
Sau khi Quy hoạch điện VIII được duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch, đề xuất các chính sách triển khai thí điểm để thực hiện.
Liên quan đến cơ chế DPPA, Bộ Công thương cũng cho hay, quyền mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng lớn và đơn vị phát điện cũng được quy định rất rõ trong Điều 47 của Luật Điện lực. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã xây dựng cơ chế này, đang lấy ý kiến thông qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương từ tháng 9/5/2022 và đang tiếp thu để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng kiến nghị các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn chính sách trong phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo nói chung, các cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển thị trường lưu trữ carbon, các cơ chế chính sách khác trong lĩnh vực phát triển công nghiệp nền tảng như cơ khí, chế tạo, chế biến, năng lượng… Đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ hợp tác nghiên cứu để điều chế nguyên liệu mới, vật liệu mới, vật liệu thay thế tại Việt Nam và vận động các quỹ toàn cầu có những khoản tài trợ không hoàn lại hoặc cho vay với lãi suất thấp để thực hiện các mục tiêu trên.