Điều đó xuất phát từ thực tế triển khai không dễ dàng của các dự án điện mới ở bất cứ dạng năng lượng nào, từ năng lượng tái tạo đến điện khí LNG nhập khẩu hay điện gió ngoài khơi…
Gần 2 năm qua, ngành điện chứng kiến tình trạng các dự án điện mặt trời dở dang và dự án mới chưa biết sẽ đi tiếp thế nào để bán được điện, thu tiền cho đỡ lỗ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các dự án điện gió chưa kịp về đích, đóng điện thương mại để hưởng mức giá mua điện tốt trước thời điểm ngày 1/11/2021.
Đã có một số giải pháp được đưa ra, nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng từ cơ quan có thẩm quyền. Ngay cả việc xây dựng khung giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo dở dang đang được các nhà đầu tư chờ đợi như một lối thoát cũng không đồng nghĩa với việc ban hành xong thì sẽ giải quyết được vấn đề.
Lý do là, khi có khung giá bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo dở dang, nhà đầu tư vẫn sẽ phải đàm phán cụ thể và chi tiết để bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Dĩ nhiên, EVN chỉ có thể mua điện khi nhu cầu tiêu thụ có; nếu không, dù điện cho không, thì cũng không ai cần, nhất là khi nguồn điện này không thể lưu trữ được với chi phí rẻ như mong đợi.
Đối với các dự án điện khí LNG nhập khẩu, tấm gương nhìn thấy rõ nhất là các dự án LNG Bạc Liêu và LNG Nhơn Trạch 3&4.
Quý III/2021, hàng loạt vướng mắc trong đàm phán Hợp đồng mua bán điện của Dự án LNG Bạc Liêu đã được thống kê và trình Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư. Đáng chú ý là, nhiều vấn đề được đặt ra lại đòi hỏi phải sửa luật và nhiều quy định hiện hành, nên tới nay, vẫn chưa có câu trả lời về đề xuất của nhà đầu tư để các bước đàm phán được tiến triển tiếp.
Dù dễ dàng hơn bởi nhà đầu tư có tỷ lệ vốn nhà nước lớn, nhưng Dự án LNG Nhơn Trạch 3&4 vẫn bế tắc, vì chưa được cam kết sản lượng bán điện, làm cơ sở để đảm bảo dòng tiền thu về nhằm thuyết phục các tổ chức tài chính mở hầu bao cho những khoản vay có giá trị cả tỷ USD.
Đối với các dự án điện gió ngoài khơi mà thế giới đang coi là giải pháp tốt trong giảm phát thải ở ngành điện, thì tại Việt Nam, hàng loạt rủi ro và vướng mắc đã được đưa ra mà chưa rõ cơ quan quản lý nhà nước nào sẽ gỡ khó, giúp nhà đầu tư tự tin triển khai dự án.
Nếu đi theo hướng thị trường điện cạnh tranh, thả nổi bán mua, thì các dự án vẫn rơi vào bế tắc, bởi giá bán điện mong muốn của các nhà đầu tư vượt qua sức chịu đựng của EVN trong điều kiện 3 năm nay bất động về giá bán lẻ điện. Điều này cũng trái hẳn với thực tế giá điện/năng lượng biến động khó lường và tăng chóng mặt ở hầu hết các nước trên thế giới do chiến tranh, dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế.
Ở thời điểm này, bên bán điện và bên mua điện không dễ thuyết phục nhau, bởi nếu các nhà đầu tư hân hoan hưởng lợi, thì người méo mặt chắc chắn là EVN - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phải chịu nhiều ràng buộc, giám sát của các cơ quan thanh, kiểm tra.
Ở khối nguồn điện, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia liên tục có các cuộc làm việc với nhiều địa phương, nhằm xử lý bế tắc về giải phóng mặt bằng cho các dự án truyền tải. Thậm chí, có dự án truyền tải mà trong 3 năm, địa phương vẫn không ban hành được mức giá đền bù, phục vụ giải phóng mặt bằng.
Cũng chưa thấy có thêm nhà đầu tư tư nhân nào đề xuất làm đường dây truyền tải sau khi Quốc hội đã sửa luật, mở đường cho việc xã hội hóa đầu tư đường truyền tải, nhằm giảm gánh nặng cho đầu tư từ Nhà nước. Thậm chí, cũng chưa rõ bao giờ nghị định hướng dẫn thi hành được ban hành; các vấn đề về nguồn thu, vận hành đường dây, hay bàn giao đường dây sau đầu tư cho ngành điện quản lý chưa rõ ràng và hấp dẫn khi giá truyền tải chỉ khoảng 100 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Trong khi các dự án điện khó triển khai và chưa thấy lối thoát để bổ sung nguồn cung mới cho nền kinh tế, thì việc tăng trưởng tiêu thụ điện chưa trở lại như trước khi xảy ra đại dịch, khiến nhiều người có chút thở phào vì trì hoãn được tình trạng căng thẳng trong cấp điện thêm thời gian nữa. Nhưng trì hoãn không có nghĩa là không xảy ra. Nếu cứ khó triển khai các dự án điện như đang diễn ra, thì dù Quy hoạch Điện VIII có được ban hành, thì việc đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn với giá hợp lý vẫn là thách thức.