Đáp ứng xanh, giảm điện than
Trước đó, tại Tờ trình 6238/TTr-BCT về Quy hoạch điện VIII mới nhất được ký ngày 13/10/2022, Bộ Công thương đã cho hay, trong quá trình rà soát trước đây, Bộ đã đề xuất không đưa vào Quy hoạch điện VIII 13.220 MW nhiệt điện than (Văn bản số 412/BCT-ĐL ngày 22/7/2022).
Trong đó, có 8.420 MW do các Tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư.
Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao 3.600 MW (Quảng Trạch II, Tân Phước I và Tân Phước II), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao 1.980 MW (Long Phú III), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được giao 2.840 MW (Cẩm Phả III, Hải Phòng III và Quỳnh Lập I).
Các dự án nhiệt điện than đầu tư theo hình thức BOT là 3.600 MW (Quỳnh Lập II, Vũng Áng III, Long Phú II) và chưa giao nhà đầu tư 1.200 MW (Quảng Ninh III).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương tiếp tục rà soát các dự án nhiệt điện than. Kết quả cho thấy đến hết tháng 9/2022, cả nước đã có 39 nhà máy nhiệt điện than, tổng công suất 24.674 MW hiện đang vận hành.
Hiện nay, còn 12 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 13.792 MW đã được giao chủ đầu tư, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư/đang triển khai xây dựng.
Nhiệt điện than Vân Phong 1 đầu tư theo hình thức BOT chuẩn bị vận hành trong năm 2023. Ảnh chụp tháng 5/2022 |
Đó là 7 dự án với công suất 6.992 MW đang xây dựng là Thái Bình II, Long Phú I, Quảng Trạch I, Vân Phong 1, Vũng Áng II, An Khánh Bắc Giang, Na Dương II.
Trong các dự án này có một số dự án đã thu xếp được vốn, đang xây dựng và chắc chắn sẽ vào vận hành gồm Thái Bình II, Quảng Trạch I, Vân Phong 1, Vũng Áng II. Các dự án còn lại là Long Phú I đang đàm phán với tổng thầu để triển khai tiếp và 2 dự án An Khánh Bắc Giang và Na Dương II đã có phương án vay vốn trong nước.
Cũng có 5 dự án với quy mô 6.800 MW đang chuẩn bị đầu tư, nhưng có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn, bao gồm: Công Thanh (600 MW), Quảng Trị (1.200 MW), Sông Hậu II (2.000 MW), Nam Định I (1.200 MW), Vĩnh Tân III (1.800 MW).
Bộ Công thương cho biết, đã làm việc với chủ đầu tư tại 5 dự án này về tình hình cụ thể và chủ đầu tư 2 dự án là Công Thanh và Quảng Trị đã thông báo không thể thực hiện tiếp nhiệt điện than là Công Thanh và Quảng Trị I.
Cụ thể, Dự án nhiệt điện Công Thanh do Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh là chủ đầu tư được giao phát triển dự án từ năm 2011. Dự án đã được phê duyệt FS; đã triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, cảng than; xây hàng rào nhà máy, nhà làm việc công trường; đã có Quyết định cấp đất, Hợp đồng thuê đất, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép xây dựng, đã ký Hợp đồng mua bán điện, đã lựa chọn tổng thầu EPC.
Tuy nhiên, dự án không thu xếp được vốn, Chủ đầu tư và UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị chuyển đổi sang LNG và tăng công suất lên 1.500 MW.
Tại Dự án Nhiệt điện than Quảng Trị, công suất 1.200 MW, chủ đầu tư là Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi), được giao từ tháng 8/2013. Dự án đã được phê duyệt FS, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án đang tạm dừng đàm phán bộ Hợp đồng, không thu xếp được vốn.
Tại cuộc họp giữa Bộ Công thương Việt Nam, Bộ Năng lượng Thái Lan và EGATi, EGAT ở Băng cốc ngày 6/10/2022, Bộ Năng lượng Thái Lan thông báo EGATi dừng dự án và sẽ phúc đáp Chính phủ Việt Nam sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Thái Lan.
Bộ Công thương cũng đánh giá 3 dự án còn lại gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Dự án Sông Hậu II chưa vay được vốn, đã vi phạm Hợp đồng BOT, Dự án nhiệt điện Nam Định I và Vĩnh Tân III chưa tìm được cổ đông thay thế và chưa vay được vốn.
Cẩn trọng khi nhấc dự án khỏi quy hoạch
Được biết, Bộ Công thương đã có buổi làm việc với 3 dự án nhiệt điện than này với mục đích nhằm rà soát tính khả thi trong việc tiếp tục triển khai trong bối cảnh quốc tế thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP-26.
Theo quan điểm của Bộ Công thương, nếu các dự án này kéo dài thời hạn thực hiện sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam và khiến cho Quy hoạch điện VIII chưa thể được phê duyệt. Khi đó Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với lĩnh vực năng lượng trong năm 2023 sẽ là thử thách lớn đối với Bộ Công Thương.
Bởi vậy, Bộ Công thương đã đề nghị các chủ đầu tư của các dự án nếu nhận thấy không đủ khả năng thực hiện thì tự nguyện có văn bản xin ngừng thực hiện. Nếu tiếp tục thực hiện thì các chủ đầu tư phải cung cấp văn bản cam kết tiến độ thực hiện dự án cùng hợp đồng nguyên tắc thu xếp vốn và cung cấp than trước ngày 30/10/2022.
Dự án nhiệt điện than Sông Hậu II có công suất 2.000 MW được giao cho Toyo Ink Group Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư từ tháng 3/2013. Các hợp đồng của Dự án (Hợp đồng BOT, mua bán điện, thuê đất) đã ký kết tháng 12/2020, đã có hiệu lực pháp lý.
Chủ đầu tư cũng đã chuyển cho UBND tỉnh Hậu Giang 343,25 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhưng còn nợ 365,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chủ đầu tư không thu xếp được vốn đúng thời hạn cam kết trong Hợp đồng BOT là trước ngày 24/6/2022.
Tại Dự án nhiệt điện than Nam Định I có công suất 1.200 MW do Công ty TNHH Điện lực Nam Định thứ nhất, thành lập tại Singapore ( bởi Taekwang Power Holdings Co., Ltd. - Hồng Kông và ACWA Power - Ả Rập Xê-út sở hữu) là chủ đầu tư.
Dự án đã được Chính phủ chấp thuận từ 4/2017, tiếp đó đã được phê duyệt FS, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Hợp đồng thuê đất ký tắt tháng 11/2020.
Chủ đầu tư báo cáo có thoả thuận vay vốn ký kết tháng 12/2019, hợp đồng bảo hiểm khoản vay với Sinosure ký tháng 8/2020. Đã tạm ứng cho tỉnh Nam Định 3 triệu USD để xây dựng khu tái định cư, 3 triệu USD tiền bồi thường hoa màu.
Tuy nhiên, Hợp đồng BOT, Bảo lãnh Chính phủ (GGU), Hợp đồng mua bán điện (PPA) chưa đàm phán xong. Đồng thời, cổ đông ACWA Power đã rút khỏi Dự án và hiện chưa tìm được nhà đầu tư mới thay thế.
Tại Dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân III có công suất 1.800 MW, chủ đầu tư của Dự án là OneEnergy Ventures Limited (Hồng Kông), sở hữu bởi CLP Việt Nam (chi nhánh của CLP Holdings Ltd. (Hồng Kông) và DGA Vĩnh Tân 3 B.V (sở hữu bởi Mitsubishi Corporation (Nhật Bản) chiếm 49%, EVN - 29%, Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific) - 22%.
Dự án đã được phê duyệt FS, các tài liệu dự án đã ký tắt vào tháng 12/2020, nhưng Mitsubishi và CLP thông báo không tiếp tục thực hiện các dự án nhiệt điện than theo chính sách của công ty, Pacific đã xin rút khỏi dự án. Vì vậy, dự án đang phải tìm cổ đông thay thế, chưa vay được vốn.
Xét trên bối cảnh thực tế các dự án đang phải tìm cổ đông mới tham gia và tìm nguồn vốn, việc triển khai tiếp các dự án này là rất khó khăn. Do đó, trong tính toán tại đề án Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã không đưa 6.800 MW các dự án này vào cân đối và bù bằng các nguồn khác, chủ yếu là điện gió, sinh khối.
Nhưng để tuyệt đối tránh rủi ro pháp lý và đền bù nhà nước, các dự án này vẫn để trong danh mục cho đến khi hoàn tất chính thức các thủ tục dừng/chấm dứt các dự án.
Bộ Công thương sẽ tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, rà soát các quy định của pháp luật, các cam kết, thoả thuận giữa các bên, xử lý cương quyết, chặt chẽ.
Theo IEA, trong nửa đầu năm 2022, tiêu thụ than toàn cầu ít thay đổi so với nửa đầu năm 2021. Còn cả năm 2022, nhu cầu than toàn cầu sẽ tăng 0,7% so với năm 2021 và đạt mức khoảng 8 tỷ tấn than. Mức này thấp hơn một chút so với dự báo 8,022 tỷ tấn mà IEA dự bảo vào tháng 12/2021 do kinh tế của nhiều quốc gia tăng trưởng yếu hơn.
Một số quốc gia trong EU (Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Cộng hòa Séc, Hungary và Áo) đang kéo dài tuổi thọ của các nhà máy than dự kiến đóng cửa, mở lại các nhà máy đã đóng cửa hoặc nâng giới hạn thời gian làm việc của các nhà máy than để giảm tiêu thụ khí đốt.
Điều này sẽ làm tăng sản lượng nhiệt điện than vào nửa cuối năm 2022 và dẫn đến nhu cầu nhiệt điện than tăng khoảng 33 triệu tấn trong cả năm.
Đức được cho là nước sẽ chiếm mức tiêu thụ bổ sung lớn nhất. Vào tháng 7/2022, Chính phủ Đức đã tạo ra một “nguồn dự trữ thay thế khí đốt” với tổng công suất là 10,6 GW từ than, trong đó có các nhà máy được lên kế hoạch ngừng hoạt động vào năm 2022 và 2023 trước đó.
“Mức tiêu thụ than của EU sẽ tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 476 triệu tấn vào năm 2022”, IEA nhận định.