Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (thứ hai từ trái sang) tham quan nhà máy chế biến công ty thủy sản Cases |
Công ty cổ phần Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau (Công ty thủy sản Cà Mau) có 5 xí nghiệp, 2 phân xưởng sơ chế với khoảng 5.000 công nhân. Kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt khoảng 200 triệu USD/năm. Mức lương bình quân của công nhân khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, sản phẩm tôm của công ty đã có mặt trên 10 thị trường quốc tế như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nga.
Trong 10 năm qua, Công ty thủy sản Cà Mau luôn thay đổi để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, chủ động ứng dụng các trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất nhằm tiêu hao ít năng lượng, nguyên liệu, tăng năng suất giá thành sản phẩm.
Hiện nay, công ty đã trang bị được máy đông sâu ở nhiệt độ 60 – 70 độ mà không cần công nhân phải cán tôm. Công ty đang nghiên cứu thực hiện đề tài “xử lý nước thải làm thức ăn chăn nuôi” để chế biến bột cá, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của nước thải công nghiệp ra môi trường. Hướng đến năm 2020, Công ty thủy sản Cà Mau sẽ đầu tư hệ thống điện chạy bằng năng lượng mặt trời thay thế điện thắp sáng trong xưởng, đồng thời hướng đến nâng cấp sử dụng năng lượng mặt trời vào sản xuất giai đoạn 2020 – 2022.
Hiện nay việc thu mua nguyên liệu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do tôm bị nhiễm dịch bệnh đốm trắng chết hàng loạt, dẫn đến việc không thể xuất bán ra thị trường. Lãnh đạo Công ty thủy sản Cà Mau bày tỏ mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ có những nghiên cứu đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất trong lĩnh vực nuôi tôm, giúp người nuôi phòng ngừa dịch bệnh, tăng năng suất chất lượng. Từ đó, góp phần giúp công ty ổn định nguồn hàng, xuất khẩu bền vững ra thị trường trong và ngoài nước.
Tại buổi gặp gỡ, đại diện đoàn công tác đã thông tin đến Công ty một số giải pháp để phòng ngừa bệnh đốm trắng trên tôm. Theo đó, đã có nhiều nơi nghiên cứu được vắc xin phòng bệnh này như Trung tâm công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vắc xin này cũng cần thời gian kiểm nghiệm để có thể đưa vào ứng dụng thực tiễn đạt hiệu quả.
Trao đổi tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng công ty thủy sản Cà Mau đã rất năng động, sáng tạo trong sản xuất và khẳng định thương hiệu của mình trong những năm qua. Đặc biệt, luôn quan tâm tạo việc làm, điều kiện phúc lợi cho người lao động an tâm làm việc. Mong rằng công ty sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, từng bước ứng dụng công nghệ theo giai đoạn phù hợp để tạo hướng đi bền vững trong tương lai.