- Chưa rõ nội hàm “quản lý vốn nhà nước” cũng như "quyền của doanh nghiệp nhà nước"
- Doanh nghiệp tư nhân đi tận đâu rồi, doanh nghiệp nhà nước vẫn cứ "năm sau cao hơn năm trước"
- Doanh nghiệp nhà nước phải được làm những việc khác thường - Bài 4: Chìa khóa bước vào kỷ nguyên mới
- Ứng xử với doanh nghiệp nhà nước
“Doanh nghiệp tư nhân như thế nào, doanh nghiệp nhà nước áp dụng đúng cơ chế như thế thì tự khắc sẽ khác”, tân Bộ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu khi nhắc đến các nội dung liên quan đến thẩm quyền của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước trong phần tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phiên thảo luận tại Hội trường chiều 29/11.
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng |
Đây là phát biểu đầu tiên của tân Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng sau khi được Quốc hội tín nhiệm, phê chuẩn vào ngày hôm qua, 28/11.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, đây là vị trí có vai trò rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc bảo toàn, phát triển vốn tại doanh nghiệp. Việc lựa chọn được người đại diện vốn, nhất là những doanh nghiệp có vốn Nhà nước từ 50% vốn trở lên sẽ quyết định lớn đến việc doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hay không.
"Chúng ta đưa ra cơ chế đánh giá rất khắt khe, người ta rất vất vả, nhưng tiền lương, tiền thưởng lại phải theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài. Người tài cũng không bao giờ làm hết trách nhiệm của mình”, Bộ trưởng Thắng thẳng thắn khi nhắc đến các mức lương gấp 5 lần, 10 lần ở cùng vị trí công việc, cùng ngành nghề giữa khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, thậm chí có trường hợp gấp khoảng 50 đến 100 lần.
Bộ trưởng Thắng đồng tình với các ý kiến góp ý về cơ chế đánh giá dựa trên các chỉ tiêu rõ ràng, để thực hiện được nguyên tắc làm tốt, vượt lợi nhuận thì mức lương, thưởng tăng lên thế nào, nếu không làm tốt thì mức độ nào là cảnh báo và mức độ nào là sa thải.
“Đã chấp nhận như doanh nghiệp tư nhân chúng ta cũng phải có cơ chế như thế. Còn từ trước đến nay, báo cáo với các đại biểu khó khăn nhất chính là vấn đề liên quan đến chế độ lương, thưởng của đại diện vốn tại các doanh nghiệp nhà nước”, Bộ trưởng Thắng làm rõ.
Ông cũng không ngần ngại bày tỏ quan điểm cá nhân về mục tiêu ban hành luật để nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, theo đúng thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, ông nhắc đến việc chấm dứt việc can thiệp vào doanh nghiệp bằng mệnh lệnh hành chính hay lồng ghép quản lý nhà nước vào hoạt động đầu tư, kinh doanh, bảo toàn vốn của doanh nghiệp.
“Đó là vấn đề tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đầu tư vốn và hoạt động quản trị, điều hành của các doanh nghiệp, để đảm bảo các doanh nghiệp phải hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường. Tôi cho rằng đây là những nội dung căn bản, xuyên suốt và đổi mới toàn diện về phương thức xây dựng luật lần này”, Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Trước đó, trong phần thảo luận, nhiều đại biểu đã mổ xẻ nhiều điều khoản cụ thể để bày tỏ sự lo ngại về việc chưa thể hiện được các nguyên tắc đã thống nhất trong việc xây dựng luật này.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) cho rằng, Dự thảo còn có những quy định chưa thực sự “cởi trói” cho doanh nghiệp nhà nước, còn hạn chế quyền tự chủ, cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp nhà nước.
“Việc phê duyệt về chiến lược, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp thì dự thảo đang giao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt. Việc quy định như vậy sẽ hạn chế quyền chủ động, sáng tạo trong định hướng và triển khai các giải pháp kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thêm thủ tục hành chính không cần thiết khiến cho doanh nghiệp có thể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh”, đại biểu Hà phân tích.
Hiện nay, theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng, nội dung này do doanh nghiệp quyết định. Ông đề nghị chỉnh sửa lại nội dung này theo hướng giao quyền chủ động cho doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước thực hiện quyền quản lý đối với nội dung này thông qua việc giao những chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu cho doanh nghiệp như về tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận hay nghĩa vụ về nộp ngân sách.
Tương tự, quy định doanh nghiệp nhà nước chỉ được kinh doanh bất động sản đối với các trường hợp doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh bất động sản hoặc cho thuê, khai thác văn phòng, trụ sở làm việc khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận cũng được nhận định là đang mâu thuẫn với Luật Các tổ chức tín dụng.
Thậm chí, đại biểu Hà cho rằng, Dự thảo đang thiếu và còn có một số quy định chưa phù hợp quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong đầu tư và quản lý vốn tại doanh nghiệp.
Về người đại diện sở hữu vốn nhà nước đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa chủ sở hữu với doanh nghiệp trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời đây cũng là chủ thể thực hiện các hoạt động kinh doanh với vai trò là người quản lý doanh nghiệp, tuy nhiên dự thảo lại chưa tập trung quy định quyền và trách nhiệm đối với chủ thể này.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) |
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cũng chia sẻ quan điểm dự thảo luật này còn rất nhiều việc phải làm để chúng ta đạt được kỳ vọng, đó là tạo nền tảng cơ sở vững chắc để cho các doanh nghiệp nhà nước có đủ nguồn lực, có đủ cơ sở để cất cánh, xứng đáng là trung tâm của nền kinh tế.
“Chúng ta cần rà soát lại toàn bộ các tỷ lệ quy định mang tính chất hành chính, trình tự, thủ tục trong luật này để giảm bớt. Đối với doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi cho rằng, vai trò của Hội đồng thành viên trên cơ sở điều lệ để có quyền tự chủ, tự quyết, tránh đi vào việc quản quá chặt và lâu nay rất khó cho các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình phát triển”, đại biểu An nhấn mạnh.
Đặc biệt, đại biểu cho rằng, Dự thảo chưa có cơ chế phù hợp với những doanh nghiệp đầu đàn, doanh nghiệp nòng cốt.
“Cơ chế này lại liên quan đến phần phân phối lợi nhuận. Phân phối lợi nhuận ở đây mới chỉ xác định để lại không quá 50% đối với 100% vốn, cả những doanh nghiệp khác không 100% vốn. Chúng ta đưa ra con số 50%, tôi cho rằng cứng nhắc. Dự thảo đầu tiên Chính phủ đề xuất 20-50-80%, sau đó quyết định phương án 50%. 50% này là chúng ta cào bằng, không có sự phân biệt. Tôi đề nghị phải căn cứ vào quy mô, căn cứ vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh để chúng ta phân phối lợi nhuận cho phù hợp”, đại biểu An đề xuất.
Ghi nhận các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại các tổ và ý kiến tại hội trường ngày hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết: "Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan chủ trì xin được ghi nhận, tiếp thu các ý kiến phát biểu sâu sắc của các đại biểu với tinh thần cầu thị cao nhất để nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo luật báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ ngay sau khi kết thúc kỳ họp này".