Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên giải trình - Ảnh HL |
Thực tế trên được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu tại phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tổ chức, sáng 28/2.
Vẫn như các lần đăng đàn tại Quốc hội, ông Phớc không né tránh các hạn chế trong quản lý nhà nước về xăng dầu hiện tại. Và một trong số các hạn chế đó là số lượng thương nhân đầu mối và phân phối hiện đang quá nhiều. Việt Nam hiện có 34 thương nhân đầu mối, trong khi Nhật Bản hiện có 5, Trung Quốc là 4, ông Phớc so sánh.
Theo Bộ trưởng, cần siết lại quy định hiện tại là thương nhân đầu mối được đi thuê kho chứa. "Thương nhân đầu mối thì phải có kho, còn đi thuê kho sẽ không chủ động trong nhập khẩu", ông Phớc nhấn mạnh đồng thời đề nghị cân nhắc việc giảm số lượng đầu mối.
“Có tiết giảm được thương nhân đâu mối không, ví dụ giảm về 10, hay để như hiện tại?”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
Cạnh đó, số lượng thương nhân phân phối khoảng 332, theo Bộ trưởng Tài chính, cũng quá nhiều. Ông Phớc cho rằng, đây là khâu trung gian, nên sẽ chi phí phát sinh và giá sẽ cao lên. Thậm chí, có thương nhân phân phối 3 không, tức “không kho, không vốn và không cửa hàng”. Bởi thế, ông cũng đề nghị giảm số lượng thương nhân phân phối.
Vẫn liên quan đến giá xăng dầu, người đứng đầu ngành tài chính nhìn nhận, nguồn cung xăng dầu phải được quản lý tốt, không bị đứt gãy thì giá sẽ ổn định.
Năm 2022 nhập khẩu xăng dầu khoảng 8,8 triệu m3/tấn, chiếm gần 30% tổng xăng dầu tiêu thụ trong nước, còn lại 70% từ nguồn cung trong nước đến từ hai nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất. Nếu ổn định được 2 nguồn cung này thì sẽ ổn định được xăng dầu không bị đứt quãng - ông Phớc nói.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Nghi Sơn vẫn đang gặp khó khăn về tài chính.
Còn theo Uỷ ban Kinh tế, đối với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, tỷ lệ nắm giữ của Việt Nam thấp (25,1%) nên không có khả năng ra quyết định, cho đến nay phương án tái cấu trúc tài chính, bộ máy điều hành của doanh nghiệp chưa được các bên góp vốn thống nhất chưa được phê duyệt và triển khai.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn được hưởng cơ chế bao tiêu sản phẩm nhưng chưa có quy định về mức cung ứng tối thiểu để bảo đảm an ninh năng lượng; trong trường hợp giảm công suất, dừng sản xuất như năm 2022 và đầu năm 2023 dẫn đến sự bị động phải tìm các nguồn xăng dầu khác để thay thế, gây thiệt hại lớn cho kinh tế - xã hội nhưng cũng không có chế tài xử lý.
Giá xăng dầu cũng là vấn đề được Uỷ ban Kinh tế đề cập tại phiên giải trình, khi phương pháp tính giá hiện nay lấy giá thế giới trung bình của 10 ngày trước để tính giá cơ sở, áp dụng cố định cho 10 ngày sau, khó bảo đảm sát với thực tế, giá ở Việt Nam luôn có sự “chậm pha” so với giá thế giới. Một số yếu tố cấu thành giá cơ sở như: chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng… được Bộ Tài chính rà soát định kỳ 6 tháng hoặc khi có biến động bất thường. Chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức do Bộ Tài chính xác định hằng năm để tính giá xăng dầu.
Theo Uỷ ban Kinh tế, phương pháp xác định giá như hiện nay là sử dụng mệnh lệnh hành chính để can thiệp quá sâu vào thị trường, làm sai lệch tín hiệu thị trường.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích, giá xăng dầu được xác định theo giá thị trường. Tức là trên cơ sở giá sản xuất, giá nhập cộng với các chi phí để hình thành giá cơ sở. Giá bán lẻ ra thị trường không được vượt quá giá cơ sở; giá bán tại vùng sâu vùng xa không được vượt quá 2% giá cơ sở.
Về tính chi phí định mức kinh doanh xăng dầu trong giá cơ sở, quy định hiện nay là 6 tháng điều chỉnh một lần. Tuy nhiên trước diễn biến thị trường thế giới phức tạp, Bộ trưởng Tài chính đề nghị rút ngắn lại thời gian điều chỉnh các chi phí này về còn 1 tháng một lần.
Ông Phớc cũng đề nghị cần rút ngắn thời gian điều hành giá, từ 10 ngày xuống còn 5-7 ngày một lần, vào thứ Sáu hàng tuần, và giá cơ sở được tính bình quân 20 ngày trong tháng - tương ứng mức thời gian dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối.
Ông Phớc nhấn mạnh, vừa qua khi có ý kiến Bộ Công Thương về hiệp thương giá thì Bộ Tài chính cố gắng trả lời trong ngày. Khi nhận được các chi phí của các doanh nghiệp đầu mối gửi tới, Bộ xin ý kiến Bộ Công Thương và thông báo ngay chi phí định mức trên cơ sở bình quân gia quyền. Các tính toán tuân thủ theo quy định pháp luật.
"Theo Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính được giao trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quản lý giá xăng dầu. Bộ Tài chính tham gia ý kiến về thuế, tính chi phí định mức và có ý kiến với Bộ Công Thương để ban hành giá tại kỳ điều hành. Tuy nhiên, quyền quyết định vẫn là Bộ Công Thương, còn Bộ Tài chính có ý kiến tham gia. Bởi, theo hai nghị định trên, khi ý kiến của Bộ Tài chính không được Bộ Công Thương đồng tình thì Bộ Công Thương tự quyết định", ông Phớc cho biết.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính cũng đề nghị cần có quy định tỷ lệ chi phí tối thiểu để cửa hàng bán lẻ không bị lỗ. Cùng đó, cần sửa quy định, cho phép khi cửa hàng bán lẻ mua từ 1 đầu mối, khi đầu mối này hết xăng thì họ có quyền mua từ người khác. Chứ nếu không không có xăng để bán khi thị trường biến động.
Ngoài ra, cơ quan quản lý phải giao chỉ tiêu sản xuất, nhập khẩu từ đầu năm để chuẩn bị nguồn cung 1 cách chủ động, ông Phớc nói tiếp về giải pháp.
Trong năm 2022 và tính đến ngày 17/2/2023, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 38 văn bản điều hành giá xăng dầu trong nước. Trong đó: giá mặt hàng xănệ tăng 20 lần, giảm 16 lần, 2 lần ổn định giá; giá mặt hàng dầu điêzen tăng 20 lần, giảm 18 lần; dầu hỏa tăng 20 lần, giảm 17 lần, 1 lần ổn định giá; dầu madut tăng 15 lần, giảm 17 lần, ổn định giá 1 lần.
So với đầu năm 2022 (kỳ điều hành giá ngày 11/1/2022), tại thời điểm hiện nay (kỳ điều hành giá ngày 13/2/2023) thì giá mặt hàng xăng và dầu mazut giảm từ 109 đồng/lít/kg đến 2.726 đồng/lít/kg tương đương giảm từ 0,46% đến 16,66%; mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa tăng từ 3.323 đồng/lít đến 4.456 đồng/lít tương đương tăng từ 18,22% đến 26,0%, cụ thể: xăng RON92 ở mức 22.869 đồng/lít, giảm 1,25%, xăng RON95 ở mức 23.767 đồng/lít, giảm 0,46%, dầu hỏa ở mức 21.594 đồng/lít, tăng 26,0%, dầu diesel ở mức 21.562 đồng/lít, tăng 18,22%, dầu mazut ở mức 13.633 đồng/kg, giảm 16,66%.