“Bộ Tài chính đã 3 lần trình, trong đó 1 lần trình Chính phủ, nhưng chưa có sự đồng thuận cao nên chưa trình Quốc hội. 2 lần trình Chính phủ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng cũng chưa được trình ra Quốc hội. Đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội giải thích thêm”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình trước Quốc hội khi nhận được các chất vấn liên quan đến khó khăn trong phân định chi thường xuyên hay chi đầu tư công trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/11.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn sáng 6/11 |
Bộ trưởng cho rằng, đây là vướng mắc cần có sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính xác nhất hay nói cách khác yên tâm nhất.
“Tôi sang Đức, thấy cơ quan sứ quán Việt Nam không làm hàng rào, hỏi tại sao thì được trả lời là không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nên không được bố trí vốn. Phải giải quyết để đảm bảo giải quyết vướng mắc, không thể đẩy trách nhiệm cho người quản lý tài sản công...", Bộ trưởng đề nghị.
Tuy nhiên, phương án mà Bộ Tài chính đang tham mưu với Chính phủ để trình Quốc hội là cho phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có, áp dụng với dự án dưới 15 tỷ đồng không được Chủ tịch Quốc hội đồng tình.
“Căn cứ của chi thường xuyên hay đầu tư công là dựa vào tính chất các khoản chi chứ không dựa vào giá trị đầu tư. 2 tổ rà soát quy định của pháp luật của cả Quốc hội và Chính phủ cũng không đề cập đến vướng mắc cả ở Luật Đầu tư và Luật Ngân sách Nhà nước, nên Quốc hội đã đưa việc giải quyết nghị quyết đặc thù chi thường xuyên và chi đầu tư ra khỏi chương trình. Bây giờ, nếu Chính phủ, các bộ thấy trách nhiệm giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thế nào, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có đề xuất, nếu chưa rõ sẽ giải thích, làm rõ thêm, nếu vướng mắc, sẵn sàng sửa đổi, bổ sung”, Chủ tịch Quốc hội trao đổi trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/11. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ vướng mắc ở đâu, thông tư, nghị định hay trong văn bản luật.
Trước đó, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng làm rõ các giải pháp khi vướng mắc này đã kéo dài, ảnh hưởng đến việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính |
Vì, Luật Ngân sách nhà nước quy định về sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy. Tuy vậy, tại Luật Đầu tư công có nội dung quy định về tính chất của dự án đầu tư công dẫn tới cách hiểu, cho rằng toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp… đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công.
Đại biểu cho biết, vấn đề này đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong các kỳ họp trước, nhưng trong Báo cáo của Chính phủ cũng chưa được đề cập. Do vậy, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp để giải quyết.
Trên thực tế, qua phản ánh của một số bộ, ngành, địa phương và các đại biểu Quốc hội, việc cải tạo, nâng cấp trụ sở, công trình, máy móc, thiết bị thuộc tài sản công quy mô nhỏ như sử dụng vốn đầu tư công khó khả thi và vô cùng bất cập, do phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Trong khi đó, việc sửa chữa, cải tạo phát sinh đột xuất, chi có tính cấp bách như: cải tạo hệ thống giao thông, thoát nước, trạm y tế, trường học, các công trình liên quan đến quản lý biên giới, phân giới cắm mốc..., rất khó kế hoạch hoá trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công. Trong đó quy định đối với kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.