Lời hứa thứ nhất: hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế
Một trong những nhiệm vụ lớn nhất mà Quốc hội giao cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh là hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế. Và lời hứa này, đã có thể coi là cơ bản hoàn thành.
Năm qua, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án, nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế tại kỳ họp tháng 5/2012.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013.
Hiện nay, Bộ đang dự thảo quyết định trình Thủ tướng Chính phủ phân công công việc cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai thực hiện.
Lời hứa thứ hai: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch
Nhằm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch làm căn cứ xây dựng các chương trình và kế hoạch đầu tư trung và dài hạn, Bộ đã tổ chức nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện công tác quy hoạch. Cụ thể, nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 đối với 3 vùng kinh tế - xã hội; đồng thời xây dựng các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của 4 vùng kinh tế trọng điểm là: Bắc Bộ, phía Nam, miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long…
| ||
BỘ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh |
Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác quy hoạch”, tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của các quy hoạch được lập và tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác quy hoạch cũng đã được trình Chính phủ.
Trong việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, một trong những việc mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm được trong thời gian qua đó là quy hoạch lại hệ thống sân golf.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đã có thời điểm, tình trạng nở rộ sân golf khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên, cùng với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra để bảo đảm chắc chắn các dự án sân golf chỉ được cấp phép khi không có diện tích đất lúa (kể cả đất lúa một vụ năng suất thấp).
Qua quá trình rà soát, đã loại bỏ 76 sân golf, thu hồi trên 15.600 ha đất các loại. Kết quả cuối cùng, theo quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định 1946/QĐ-TTg, cả nước có 90 sân golf, nằm trên địa bàn 34/63 tỉnh, thành phố.
Trong số này, có 29 sân golf đã đưa vào khai thác, sử dụng; 22 sân golf hiện đang xây dựng; 29 sân golf được cấp giấy phép đầu tư và có chủ trương đầu tư và có 10 sân golf không đáp ứng tiêu chí, điều kiện hình thành theo quy định nên đã được đề nghị đưa ra khỏi danh mục quy hoạch.
Lời hứa thứ ba: Tái cơ cấu đầu tư công
Cùng với việc xây dựng Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã được giao xây dựng Đề án Tái cơ cấu đầu tư công.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.
Với Chỉ thị này, tình trạng phân bổ vốn đầu tư dàn trải, cắt khúc đã được khắc phục. Việc bố trí vốn đầu tư bước đầu đã có sự kiểm soát tốt, các dự án đầu tư về cơ bản được thực hiện theo đúng mức vốn kế hoạch đã giao, góp phần hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản. Số dự án khởi công mới giảm đáng kể, số dự án hoàn thành tăng cao.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, qua rà soát, cho thấy, nguồn ngân sách nhà nước bố trí đúng quy định chiếm tới 95,6% tổng số vốn rà soát; số vốn trái phiếu Chính phủ bố trí
đúng quy định chiếm 99,7% tổng số vốn kế hoạch năm 2013.
Với việc bố trí vốn tập trung hơn, trong năm qua đã có nhiều công trình quan trọng thuộc các ngành, lĩnh vực, như: giao thông, thuỷ lợi, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, các chương trình mục tiêu quốc gia và xoá đói giảm nghèo... đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó, nhiều cơ chế phân bổ vốn ngân sách mới cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với Chính phủ và Quốc hội. Đơn cử, Bộ kiến nghị phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ theogiai đoạn 3-5 năm.
Đây là một bước tiến mới, tạo điều kiện cho các cấp, các ngành chủ động cân đối vốn, quản lý và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Hiện nay, Bộ đang nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định về đầu tư trung hạn để trình Chính phủ ban hành trong quý II/2013.
Thùy Thanh