“Cuộc chiến” ròng rã hơn một năm trời của các doanh nghiệp dệt may với các chuyên gia của Bộ Công thương về sự cần thiết của Thông tư 37 chấm dứt. "Phần thắng" đã thuộc về các doanh nghiệp.
Cũng phải nói thêm, trong báo cáo Chính phủ vào cuối tháng 9/2016 về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại tiếp tục nhắc tới đề nghị Bộ Công thương bãi bỏ Thông tư 37 vì không cần thiết và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy, chỉ có một tỷ lệ nhỏ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định.
Theo thống kê của Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, từ khi thực hiện Thông tư 32/2009/TT-BCT đến năm 2015, mỗi năm có khoảng 8.000 lô hàng sản phẩm dệt may làm thủ tục nhập khẩu tại đơn vị này phải kiểm tra hàm lượng formaldehyte, nhưng chỉ có 6 trường hợp (0,0125%) không đáp ứng hàm lượng quy định.
Trong khi đó, mỗi lô hàng mất từ 3 – 7 ngày, mỗi năm có nhiều nghìn lô hàng, gây lãng phí nhiều nghìn ngày.
Hơn nữa, cũng chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khoẻ do hàm lượng formaldehyte cao quá mức quy định.
Trong khi đó, 7 năm qua, kể từ khi còn là Nghị định 32, doanh nghiệp phải trả chi phí hàng trăm tỷ đồng cho việc kiểm tra, và thời gian thông quan hàng hoá kéo dài
Đặc biệt, các nhóm nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã rà soát và phát hiện việc ban hành Thông tư 37/2015/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm là thiếu cơ sở pháp lý, không tuân thủ quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá.
Chính vì phát hiện Bộ Công thương mở rộng Danh mục hàng hóa nhóm 2 quá phạm vi quy định của Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát Danh mục hàng hóa nhóm 2 của các Bộ quản lý chuyên ngành để yêu cầu loại bỏ những mặt hàng mà các Bộ này đã mở rộng quá phạm vi cho phép của luật.