Hàng càng lâu được thông quan thì doanh nghiệp càng mất nhiều phí lưu kho |
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) lại trở thành đại diện cho doanh nghiệp đầu tiên đăng đàn tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2016/NĐ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh quốc gia do Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm đầu tuần.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, VITAS dường như không nề hà cơ hội nào để được nói. Một tháng trước, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016, nỗi khổ mang tên “ formaldehyde” đã được ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas phải tố lên với Thủ tướng vì chỉ 5m vải mẫu thôi doanh nghiệp cũng phải chịu kiểm tra, kiểm định tốn kém thời gian, chi phí.
Lần này, ông Cẩm vẫn phải nhắc lại vì Bộ Công thương hứa sẽ xử lý nhưng vẫn chưa xử lý. “Chúng tôi thấy Bộ Công thương nói sẽ có văn bản giải thích để các nơi thực hiện theo hướng có trường hợp miễn kiểm tra. Nhưng theo chúng tôi cần phải sửa Thông tư 37/2015/TT-BCT, quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may để làm rõ các trường hợp miễn kiểm tra, tỷ lệ kiểm tra ra sao…“, ông Cẩm nói.
Lý do Vitas đeo đuổi kiến nghị này vì từ khi doanh nghiệp khai báo, kiểm tra chuyên ngành đến khi có kết quả kiểm tra, xuất trình cho cơ quan hải quan để ra quyết định thông quan rất dài, tốn nhiều chi phí.
“Hàng càng lâu được thông quan thì doanh nghiệp càng mất nhiều phí lưu kho. Mà nguyên phụ liệu về chậm thì doanh nghiệp không có hàng để đưa vào sản xuất”, ông Cẩm phân trần khi các kiến nghị vẫn là “kiến nghị cũ nhưng chưa được xử lý”.
Điều đáng nói là không chỉ liên quan đến formaldehyde, câu chuyện về kiểm tra chuyên ngành đang khiến các doanh nghiệp dệt may khóc dở mếu dở.
Ví dụ cụ thể được ông Cẩm đưa ra trường hợp doanh nghiệp gia công may mặc nhập lông vũ đã qua xử lý để làm áo khoác xuất khẩu. Mặt hàng này đã có kiểm dịch động vật và C/O từ phía nước xuất khẩu, không thuộc diện danh mục chủng loại cấm. “Nhưng khi hàng về Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam phải xin kiểm dịch động vật từ cục thú ý, đăng ký kiểm dịch hun trùng tại cửa khẩu nhập và xin giám định sinh thái tên gọi, tên khoa học, gửi mẫu lên Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để xác định chủng loại”, ông Cẩm cung cấp thông tin.
Với quy trình này, doanh nghiệp sẽ phải mất khoảng 10-15 ngày để làm các thủ tục mới lấy được hàng. Chi phí gửi mẫu vật để xác định tên gọi cũng mất 3 triệu đồng/lần giám định.
“Đối với lông vũ đã qua xử lý có đầy đủ kiểm dịch động vật và C/O từ phía khách hàng, chúng tôi đề nghị bỏ kiểm dịch và hun trùng. Cần có sự kết nối giữa cơ quan hải quan và cơ quan quản lý chuyên ngành để cán bộ hải quan có thể lấy được kết quả chuyên ngành sớm nhất, qua online, không cần phải lấy kết quả gốc từ doanh nghiệp... Như thế hàng hóa sẽ nhanh chóng được thông quan, tiết kiệm thời gian chờ đợi và chi phí cho doanh nghiệp”, ông Cẩm kiến nghị.
Cũng gặp khó khăn tương tự, các doanh nghiệp kinh doanh bông cũng đang gửi công văn đề nghị xem lại quy định về kiểm dịch thực vật. Ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam rất băn khoăn khi 4 năm nay kiềm dịch thực vật nhưng không phát hiện ra vấn đề gì, hàng nghìn container bông vẫn được thông qua.
“Bông là sản phẩm nông nghiệp, nhưng khi nhập khẩu về để là đã qua xử lý và trở thành sản phẩm của công nghiệp. Khi xuất bông từ Mỹ sang Việt Nam thì đều có kiểm dịch rồi, sao mình không công nhận kết quả đó, để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp”, ông Sơn đặt câu hỏi nhưng cũng là đề xuất giải pháp. Vì tính toán của Hiệp hội bông thì cứ 1 triệu đồng/mẫu kiểm dịch thì 4 năm vừa rồi các doanh nghiệp chi phí khoảng 17-18 tỷ đồng cho hoạt động này.
“Thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã và đang gây mất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu chậm trễ làm gián đoạn sản xuất, phá vỡ thời gian giao hàng, khiến doanh nghiệp có thể bị phạt, bị cắt đơn hàng, hoặc làm đội giá thành sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Cẩm nói rõ.
Cũng phải nói thêm, không chỉ các doanh nghiệp ngành dệt may, kinh doanh bông sợi, phần lớn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều vướng vào các quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành. Theo tổng hợp của các chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB) trong khảo sát các chỉ số thành phần của môi trường kinh doanh Việt Nam, trong chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới, 72% thời gian đang nằm ở khoảng 10 cơ quan quản lý chuyên ngành. Trong 2 năm liền, chỉ số này gần như không cải thiện cho dù Bộ tài chính đã vào cuộc rất mạnh mẽ ở phần thủ tục hải quan.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) thừa nhận, lúc đầu không lường trước được sự phức tạp của chỉ số này, nên chỉ tập trung vào các công việc của hải quan.
“Đến khi gặp các doanh nghiệp mới thấy, một mặt hàng đang chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định chuyên ngành. Nếu các bộ, ngành không cùng vào cuộc thì rất có thể chỉ số này cũng sẽ vẫn dậm chân tại chỗ như hai năm trước. Và như vậy thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục khó cạnh tranh trong giao thương qua biên giới”, bà Thảo nhận định.