Thời sự
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Không tăng áp lực nợ
Hàn Tín - 10/06/2014 18:44
Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, nợ công về số tuyệt đối tăng, nhưng không tăng áp lực nợ, vì Chính phủ sử dụng một phần số tiền đi vay để đảo nợ.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: Chính phủ còn 4 món nợ lớn với cử tri
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lần đầu trả lời chất vấn
"Ba không" để nền kinh tế có động lực mới
Biển Đông và chuyện "bỏ trứng ra nhiều giỏ"
Xe công đón Bí thư huyện tận nhà, ngân sách nào chịu?

Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Nghĩa, Lê Thị Công và Trương Văn Vở về nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, về số tuyệt đối, nợ công tăng liên tục, nhưng về số tương đối so với GDP thì nợ công không tăng.

“Nợ công về số tuyệt đối tăng, nhưng không tăng áp lực nợ vì chúng ta sử dụng một phần số tiền đi vay để đảo nợ”, ông Dũng nhấn mạnh.

   
  Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính  

Theo số liệu của Bộ Tài chính, so với GDP, nợ công năm 2010 tương đương 51,7%; năm 2011 là 50,1%; năm 2012 là 50,8% và năm 2013 tăng lên với mức tương ứng là 54,1%.

“Tỷ lệ nợ công năm 2013 tăng lên là do chúng ta còn nợ hoàn thuế giá trị gia tăng hàng chục ngàn tỷ đồng, cần phải xử lý dứt điểm số nợ này lên nợ công mới tăng lên. Tuy nhiên, so với giới hạn an toàn về nợ công mà Quốc hội cho phép (theo khuyến cáo của nhiều tổ chức tài chính quốc tế) là tối đa tương đương 60% GDP thì nợ công của chúng ta vẫn nằm trong giới hạn an toàn”, ông Dũng giải thích.

Tỷ lệ nợ công/GDP là tiêu chí rất quan trọng để đánh giá sự an toàn của tài chính quốc gia. Nhưng có nhiều tiêu chí cũng quan trọng không kém là cơ cấu nợ công, khả năng trả nợ và thời hạn trả nợ.

Trong số nợ công hiện tại có phân nửa là vay nợ nước ngoài với lãi suất thấp, thời hạn trả nợ ít nhất cũng còn 14-20 năm nữa. Khoảng 50% số nợ còn lại là vay trong nước với thời hạn khá ngắn, nhiều khoản chỉ vay 1-3 năm. Mặc dù gần đây, Bộ Tài chính đã tích cực huy động vốn vay trong nước có thời hạn 5 năm, 10 năm, thậm chí là 15 năm, nhưng 30% số vay trong nước sẽ đến hạn trả nợ trong vòng 1-3 năm tới.

“Việc phải trả nợ vay ngắn hạn rất quan trọng, đòi hỏi phải khẩn trương cơ cấu lại nợ công. Chính vì vậy, số tiền trái phiếu chính phủ phát hành trong vài năm gần đây có tăng lên vì sử dụng một phần để trả nợ vay (đảo nợ)”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tính trước được áp lực trả nợ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã trình và được Quốc hội cho phép tăng phát hành trái phiếu chính phủ dài hạn, lấy tiền đảo nợ.

“Như vậy, số tiền đi vay tăng lên, nhưng về cơ bản tổng số tiền vay không tăng vì chúng ta đi vay để trả nợ. Thậm chí đảo nợ còn có tác dụng tốt nếu chúng ta đi vay được vốn dài hạn với lãi suất thấp hơn khoản vay cũ. Đại biểu Quốc hội nhìn vào số nợ vay trong nước năm sau cao hơn năm trước đúng là “sốt ruột”, nhưng tôi xin nhắc lại, việc đi vay để đảo nợ không làm gia tăng nợ công, không gây áp lực lên an toàn tài chính quốc gia”, ông Dũng trấn an.

Về nghĩa vụ trả nợ. Hiện tại, Quốc hội khống chế nghĩa vụ trả nợ/tổng thu ngân sách nhà nước không quá 25%. “Nếu cộng tất cả các khoản nợ phải trả thì tổng nghĩa vụ trả nợ xấp xỉ 25% tổng thu ngân sách, nhưng sau khi trừ đi số tiền trả nợ lấy từ khoản nợ vay mới thì nghĩa vụ trả nợ thấp hơn 25% tổng thu ngân sách hàng năm rất nhiều”, ông Dũng giải thích.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Cao Sơn liên quan đến đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW, trong giai đoạn 2008-2013, ngân sách chi cho “tam nông” tương đương 32,8-41,8% tổng chi ngân sách và năm 2014, theo dự toán, ngân sách nhà nước chi cho tam nông chiếm 41,7% tổng chi.

“Trong 5 năm vừa qua, ngân sách chi cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân gần 2 triệu tỷ đồng, bằng 38% tổng chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn này. Chi cho tam nông tăng bình quân 21%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước là 16,6%/năm. Trong giai đoạn 2009-2014, tổng chi cho tam nông gấp 3,2 lần so với giai đoạn 5 năm trước đó, tức là cao hơn nhiều so với mục tiêu của Nghị quyết 26/NQ-TW là chi ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân 5 năm sau gấp 2 lần 5 năm trước”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã khiến ông Nguyễn Cao Sơn hài lòng với câu hỏi cụ thể: “Tổng chi ngân sách cho tam nông có đạt mục tiêu của Nghị quyết 8/NQ-TW không”.

Đại biểu quyết “đòi nợ” Bộ Tài chính - Công thương

(Baodautu.vn) Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại biểu Lê Thị Nga, như bà nói là “tiếp tục đòi nợ” Bộ Tài chính và Bộ Công thương liên quan đến vấn đề điều hành giá điện, xăng dầu.

 

Tin liên quan
Tin khác