“Tôi rất hy vọng các doanh nghiệp tiếp tục phát huy niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, sức mạnh nội sinh, tự lực, tự cường; chủ động nắm bắt thời cơ, có phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh và bền vững; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội sáng 21/9 |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã gửi gắm điều này khi kết thúc bài phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sáng 21/9.
Trước đó, Bộ trưởng đã nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay giống như "Hội nghị Diên Hồng" đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân để Chính phủ và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, bàn về những vấn đề lớn của đất nước, trong đó có vai trò của các doanh nghiệp lớn.
“Trước tình hình của đất nước như thế thì suy nghĩ của các doanh nghiệp lớn đối với đất nước hiện nay là gì? Các doanh nghiệp tin tưởng điều gì và có mong muốn gì?”
Theo Bộ trưởng, đất nước đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới.
Bối cảnh mới đang đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước. Chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững. Không chỉ là phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong. Không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không phải chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới.
“Trước các nhiệm vụ lớn của đất nước như vậy các doanh nghiệp lớn có mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện các nhiệm vụ nào không? Có thể là một mình hoặc liên kết với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, DNNN, doanh nghiệp FDI để thực hiện một nhiệm vụ nào đó? Chính phủ có thể giao nhiệm vụ gì cho doanh nghiệp lớn, đi kèm nguồn lực gì, cơ chế gì?”, Bộ trưởng đặt thẳng vấn đề với các lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Các nhiệm vụ lớn mà Bộ trưởng Dũng nhắc đến rất cụ thể, đó là đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững như: xe điện, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI, nông nghiệp chất lượng cao và phát thải thấp… , tham gia vào các dự án lớn của đất nước như: đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị, Đường cao tốc Viên Chăn - Hà Nội, Đường sắt Viên Chăn - Vũng Áng, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, …
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội Hội nghị (Ảnh: Hiếu Công) |
Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả; tiên phong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước; tiên phong trong nghiên cứu, thực hiện chính sách đột phá phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh trong phát triển doanh nghiệp.
Tham gia cuộc làm việc, có nhiều tên tuổi doanh nhân, doanh nghiệp hàng đầu của nền kinh tế như Vingroup, T&T Group, Thủy sản Minh Phú, Masan Group, REE, Geleximco, Sungroup, Thaco, Tập đoàn Hòa Phát, KN Holding, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn TH. Đây là các tập đoàn, doanh nghiệp có thể mạnh, đang ở các vị trí quan trọng trong các ngành, lĩnh vực.
"Các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác", Bộ trưởng đề nghị. Ông tin rằng, với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm và thương hiệu lâu đời, chúng tôi tin rằng đã đến lúc đặt lên vai doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn.