Thời sự
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra nguyên nhân khiến "doanh nghiệp chưa thể lớn"
P.V - 05/10/2020 11:06
"Chưa làm chủ được công nghệ; vướng mắc về thể chế và tự doanh nghiệp chưa thực sự năng động, sáng tạo khiến "doanh nghiệp chưa thể lớn"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

Tại Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp phía Bắc lần thứ XIII năm 2020 diễn ra cuối tuần qua tại Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, đất nước muốn phát triển phải dựa vào doanh nghiệp.

Trong đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, do đó cần phải bàn giải pháp làm thế nào để vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay, cầm cự được trong đại dịch, phục hồi sau dịch, chuẩn bị các tâm thế phục hồi một cách nhanh nhất.

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, Chính phủ đã triển khai 3 chương trình lớn nhằm hỗ trợ và giúp đỡ các doanh nghiệp.Tuy nhiên, các doanh nghiệp phát triển còn chậm về số lượng và chất lượng, gặp khó khăn trong liên kết, kết nối với các thị trường nước ngoài. 

Theo Bộ trưởng, khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, quy mô nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao nên doanh nghiệp của nước ta rất khó tham gia vào các sân chơi lớn. Nguyên nhân là do chúng ta chưa làm chủ được công nghệ; vướng mắc về thể chế và tự doanh nghiệp chưa thực sự năng động, sáng tạo khiến "Doanh nghiệp chưa thể lớn". Từ thực tế này, cộng đồng doanh nghiệp cần phải hợp tác, liên kết; dám đầu tư, dám chấp nhận khó khăn, thách thức và dám chấp nhận rủi ro; phải hợp tác liên kết, sử dụng sản phẩm của nhau để cùng phát triển.

Bộ trường Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp phía Bắc lần thứ XIII năm 2020 diễn ra tại Hòa Bình

Bộ trưởng cho biết, tập đoàn lớn trên thế giới có xu hướng mới không đi sâu vào sản xuất nữa, chuyển sang chỉ làm R&D và thị trường thương mại, còn mảng sản xuất chuyển sang cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Điển hình cho xu hướng này là Samsung, LG…

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai 3 chương trình lớn: Đổi mới sáng tạo, liên kết doanh nghiệp và chuyển đổi số doanh nghiệp.

“Chuyển đổi số là phần hết sức quan trọng, khởi nghiệp sáng tạo, liên kết cụm và hình thành chuối giá trị, chuyển đổi số. Phải làm sao chuyển đổi số nhanh nhất cho các doanh nghiệp  Việt Nam, dựa trên nền tảng này để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

TS.Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói: “ Tôi thấy rằng cần phải mở rộng và bỏ bớt đi các điều kiện đối với các doanh nghiệp. Ví dụ như các chính sách liên quan đến xã hội, công đoàn, bảo hiểm, chính sách giãn thuế, nợ thuế… cần phải bỏ bớt đi để các doanh nghiệp có thể tiếp cận những gói hỗ trợ một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, quan điểm của chúng tôi là doanh nghiệp có sứ mệnh làm ra của cải cho xã hội. Vì vậy nếu như vẫn tiếp tục xây dựng các chính sách theo hình thức cũ là hỗ trợ trực tiếp thì sẽ tốn rất nhiều nguồn lực mà ở Việt Nam nguồn lực không đủ để đáp ứng. Vì vậy tôi cho rằng, thay vì hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thì nên hỗ trợ rộng hơn, như hỗ trợ một chuỗi thì tính lan tỏa sẽ rộng hơn, nguồn lực sẽ phù hợp với Việt Nam hơn”.

Ông Hà Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội  Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng,các thiết chế cũ đang điều chỉnh đổi mới sáng tạo không còn phù hợp, do đó cần phải sớm có pháp lý cho đổi mới sáng tạo, thay thế cho các thiết chế cũ, khi đó đổi mới sáng tạo mới đi vào cuộc sống.

“Ví dụ khi triển khai kinh tế tuần hoàn, khi xin đầu tư, theo quy định phải đánh giá báo cáo tác động môi trường mới được cấp phép, lại bỏ xây bể, làm các công trình phụ trợ tốn kém hàng triệu USD, chỉ để xin được giấy phép. Còn với kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thì hầu như không có rác thải môi trường, không có ô nhiễm môi trường vì nó là chu trình tuần hoàn khép kín. Anh em làm thủ tục xin cấp phép rất hiểu và thông cảm, nhưng quy định như vậy rồi, không thể khác được”, ông Thắng phát biểu.

Ông Nguyễn Thành Biên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình đóng góp ý kiến: "Con đường duy nhất Chính phủ cứu trợ doanh nghiệp lúc này là các gói hỗ trợ đủ mạnh, đủ thời gian phục hồi, chính quyền các cấp tạo môi trường, hành lang pháp lý ưu việt nhất cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển, hiện tại, những gói hỗ trợ vẫn còn xa tầm với của người lao động gặp khó khăn, những khoản giãn nợ hay giãn thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chưa đến được với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ".

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, năm 2020 là một năm mà nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Đại dịch COVID-19 cũng khiến các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải đóng cửa do sức mua giảm, kinh doanh không có lợi nhuận.

Trong 9 tháng qua, đã ghi nhận hơn 70.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và đóng cửa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, ảnh hưởng tới hơn 31 triệu người lao động. Đây là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại diễn đàn các đại biểu doanh nghiệp cũng thảo luận về những khó khăn, rào cản trong việc đưa Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào cuộc sống; kịp thời đưa ra các kiến nghị để sớm giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp trong sản xuất-kinh doanh; tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường trong nước, phát huy tiềm năng, lợi thế, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo mối liên kết giữa các tập đoàn kinh tế lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Từ đó, mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và xúc tiến đầu tư để phát triển kinh tế địa phương.

Các ý kiến sẽ được Trung ương Hội tổng hợp và báo cáo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan có thêm cơ sở hoạch định Chính sách, định hướng hoạt động và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng về hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch gây ra.

Tin liên quan
Tin khác