Thời điểm đặc biệt của VRDF 2020
Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ ba năm 2020 (VRDF 2020) vừa chính thức khai mạc, với chủ đề “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh đến “thời điểm hết sức đặc biệt” của VRDF 2020.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là thời điểm hết sức đặc biệt của VRDF 2020 |
Đó là, Việt Nam chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021 - 2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, với niềm tin mãnh liệt và hy vọng lớn của người dân cả nước vào một giai đoạn phát triển mới, nhưng cũng đặt ra những trọng trách to lớn đối với những người làm chính sách.
Hai là, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng, nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, đặt ra cho Việt Nam những thách thức không nhỏ và đồng thời cũng đem lại những cơ hội mới cho phát triển.
Theo khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước thềm Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện.
Cụ thể, từ một quốc gia kém phát triển, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, tỷ lệ đói nghèo cao, Việt Nam đã vươn lên mãnh liệt. Quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 100 USD trước năm 1990 lên gần 2.800 USD. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.
“Tuy nhiên, những thành tựu trên đang bị đe dọa bởi thách thức lớn đến từ đại dịch Covid-19”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Toàn cảnh Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ ba năm 2020 (VRDF 2020). |
Với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường, đại dịch đã tác động mạnh tới phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới tất cả các ngành lĩnh vực, đặc biệt tới ngành dịch vụ, vận tải, du lịch, ăn uống, lưu trú...
Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động; hàng loạt lao động bị mất, thiếu việc làm, thu nhập bị giảm sâu, gây khó khăn cho việc bảo đảm an sinh, ổn định xã hội.
Do Việt Nam có độ mở lớn về kinh tế và giao lưu thương mại, nên theo Bộ trưởng, Việt Nam đang chịu những “thiệt hại lớn” từ đại dịch. Nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và phát huy ý chí, tinh thần dân tộc, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, sáng tạo, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân để “không một ai bị bỏ lại phía sau”.
Cụ thể, cho đến nay, Việt Nam vẫn kiềm chế, kiểm soát được dịch COVID-19 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao với mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Và mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, GDP 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng dương, đạt gần 2%; cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 11,9 tỷ USD; sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong những tháng vừa qua…, cả vốn cam kết và vốn giải ngân đều tích cực.
“Đây là những thành tựu rất đáng tự hào của Việt Nam trong bối cảnh suy giảm mạnh trên toàn cầu do cú sốc Covid-19”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận: bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, dự báo Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong thời gian tới.
Đó là, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tạo ra sự bất ổn lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn cầu; khi mà triển vọng phục hồi kinh tế thế giới sẽ diễn ra chậm, trong khi căng thẳng thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, biến động chính trị tiếp tục gia tăng, thì kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Đó là còn chưa kể, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém nội tại của một nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ và khu vực đầu tư nước ngoài.
“Do đó, trong trung và dài hạn, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác, giải quyết các thách thức môi trường, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ... là những nhiệm vụ phát triển lớn đặt ra với Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Còn trong ngắn hạn, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vấn đề đặt ra là: cần nhanh chóng phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tận dụng hiệu quả các cơ hội phát triển xuất hiện từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Diễn đàn VRDF 2020 |
Cần tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo để bắt kịp, tiến cùng thế giới
Những khó khăn, thách thức đã được chỉ ra, và do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để ứng phó, để vượt qua, để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần tận dụng tối đa những lợi thế, nhận diện rõ ràng các cơ hội đang có.
“Tiềm năng đất nước, bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh ‘hậu Covid-19’ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cơ hội thuận lợi để tái cơ cấu, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Các cơ hội thuận lợi khác cũng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói tới, đó là tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP; Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu; cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi số cũng đang rộng mở; các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo cũng có bước tiến mạnh mẽ, vững chắc…
Một lần nữa nhắc đến “thời điểm quan trọng, mang tính bước ngoặt” mà VRDF 2020 diễn ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng, điều đó đòi hỏi Việt Nam phải chủ động đưa ra đường hướng chiến lược, các quyết sách cho tương lai phát triển của đất nước.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, để khắc phục tồn tại, khó khăn và tận dụng được những tiềm năng và cơ hội, Việt Nam nhất thiết cần có được “tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm”; phải có “tư duy vượt lên trước” chứ nhất quyết không chịu “đi theo, đi sau”.
“Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nắm chặt lấy các cơ hội, bắt kịp, tiến cùng sự phát triển của thế giới. Ngược lại, nếu không nhanh chóng tận dụng thời cơ và đổi mới tư duy, thì nguy cơ tụt hậu, khoảng cách phát triển của Việt Nam với các quốc gia sẽ ngày càng lớn hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Chính vì những lý do đó, khi khai mạc VRDF 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ mong muốn được tìm hiểu, học hỏi các bài học kinh nghiệm trên thế giới, được lắng nghe các ý kiến tư vấn, khuyến nghị sâu sắc của các chuyên gia, các học giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, Cộng hòa Estonia, Cộng hòa Liên bang Đức, đối với hai trọng tâm chính của Diễn đàn.
Đó là Covid-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu; và Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững.