Hôm nay (5/8), Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2023, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù vẫn còn phải đối mặt với khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội tháng Bảy tiếp tục chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số cải thiện hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, góp phần cải thiện kết quả chung của cả 7 tháng đầu năm, tạo đà cho quý III và cả năm.
Nền kinh tế dần lấy lại đà phục hồi
“Nền kinh tế đã giữ được xu hướng phục hồi trong những tháng gần đây, dần lấy lại đà tăng trưởng, tháng sau tích cực hơn tháng trước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Các “chuyển biến tích cực” được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến, đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng chỉ tăng 3,12% so với cùng kỳ, tốc độ tăng tiếp tục xu hướng giảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm (khoảng 1% so với cuối năm 2022); tỷ giá ổn định, phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 62,7% dự toán...
Cùng với đó, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng Bảy tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, ước lần lượt tăng 2,2%, 2,1%, 2,4%; 7 tháng ước xuất siêu 16,5 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 1,34 tỷ USD).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2023 (Ảnh VGP) |
Điểm tích cực nữa, theo Bộ trưởng, là tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tháng Bảy đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 9% so với tháng trước; tính chung 7 tháng đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ; vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 7 tháng đạt khoảng 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ (05 tháng giảm 0,8%, 06 tháng tăng 0,5%).
Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 37,85% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (34,47%), với số tuyệt đối cao hơn gần 81.000 tỷ đồng.
“Hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục có chuyển biến”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo đó, không chỉ sản xuất nông nghiệp duy trì đà tăng khá, mà sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp tháng Bảy tăng 3,9% so với tháng trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,2%, góp phần cải thiện kết quả chung của 7 tháng đầu năm. Khu vực dịch vụ cũng tiếp tục tăng nhanh…
“Tình hình doanh nghiệp tích cực hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Cụ thể, trong tháng Bảy, có khoảng 20.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
“Kết quả doanh thu, lợi nhuận quý II của nhiều doanh nghiệp niêm yết trong ngành, lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, bán lẻ, xây dựng... cải thiện hơn so với quý I”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, kể từ đầu năm tới nay, các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, đã tạo chuyển biến tích cực về dòng tiền, nguồn lực cho doanh nghiệp, nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư…
Đồng thời, cũng đã tập trung tháo gỡ, xử lý các vấn đề mới bộc lộ, phát sinh trong những tháng đầu năm, như ban hành các chính sách giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng… hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp, tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính 7 tháng khoảng 109.000 tỷ đồng…
Đặc biệt, đã nghiên cứu cơ chế hỗ trợ đầu tư ngoài thuế trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu. Đây là một trong những nội dung được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm trong thời gian gần đây.
Khó khăn còn lớn, không thể chuyển biến trong ngắn hạn
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức |
Mặc dù khẳng định các kết quả đạt được có xu hướng cải thiện qua từng tháng, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, do bối cảnh khó khăn chung của thế giới và khu vực, tình hình khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn.
“Kết quả chung 7 tháng tiếp tục chịu ảnh hưởng kéo dài bởi các khó khăn, thách thức trong 6 tháng đầu năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh, khó khăn tuy đã giảm bớt, nhưng sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính.
Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô đã được Bộ trưởng viện dẫn để chứng minh điều này. Chẳng hạn, xuất khẩu 7 tháng giảm 10,3% (6 tháng giảm 12,1%), nhất là các nhóm hàng chủ lực như điện thoại, điện tử, dệt may, da giày, thủy sản; nhập khẩu 7 tháng giảm 17,4%; thị trường trong nước chưa được thúc đẩy hiệu quả. Thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn, số lượng giao dịch một số phân khúc thị trường giảm…
“Mặt bằng lãi suất dù đã giảm, nhưng tiếp cận vốn tiếp tục khó khăn, dư nợ tín dụng đến ngày 27/7 tăng 4,28% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,44%); khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm 78% so với cùng kỳ năm trước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm được sửa đổi; còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất của một số quy định pháp luật; phân cấp, phân quyền còn vướng mắc.
“Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lo lắng và cho biết, thu ngân sách nhà nước 7 tháng giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao hơn mục tiêu đề ra (đến cuối năm 2025 là dưới 3%); lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao…
Chưa kể, tình hình lao động, việc làm đã có cải thiện, nhưng còn nhiều thách thức; rủi ro dịch bệnh, bão lũ, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu… vẫn còn lớn.
“Khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn, phụ thuộc lớn vào xu hướng chung toàn cầu, trong khi khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đến mức tới hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Do đó, theo Bộ trưởng, cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi nhanh tăng trưởng…