Theo Bộ trưởng, việc tận dụng được vị trí chiến lược sẽ tăng cường sự hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau giữa Quảng Nam và các địa phương, và từ đó sẽ tạo nên thương hiệu mạnh, một địa chỉ đỏ thu hút các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia từ các nước có công nghệ cao, công nghệ sạch... tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng góp ý,trong bối cảnh cả nước đang thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đã đến lúc Quảng Nam cần tính đến định hướng chiến lược phát triển theo chiều sâu, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh không chỉ của tỉnh, mà trong từng khu, cụm công nghiệp, trong từng doanh nghiệp, từng dự án đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Quảng Nam cần phát huy vị trí chiến lược, tạo sự liên kết với các địa bàn lân cận |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thu hút đầu tư cần hết sức chú ý sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn lực, các nguồn tài nguyên nhất là đất đai; phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, quan tâm đến các vấn đề xã hội, việc làm, chất lượng cuộc sống của người dân.
Liên quan đến Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư, Bộ trưởng cho rằng đây là một mô hình xúc tiến đầu tư tại chỗ hiệu quả, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho các dự án đã được cấp phép hoạt động có hiệu quả và trên hết là cải thiện môi trường đầu tư.
“Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là hoạt động của Trung tâm, cần phải thiết thực, nghiêm túc và chuyên nghiệp. Do vậy, các cấp Lãnh đạo tỉnh cần có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và các nhân viên, cán bộ của Trung tâm phải xây dựng được tác phong làm việc chuyên nghiệp, lấy đối tượng phục vụ là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.
Về hợp tác quốc tế, Bộ trưởng cho rằng, Quảng Nam đã làm tốt nhưng phải tốt hơn nữa việc tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư, các công ty tư vấn đầu tư, tư vấn luật, các ngân hàng, quỹ đầu tư... của quốc tế. Bởi lẽ, họ mới chính là những đối tượng định hình chiến lược kinh doanh, chuỗi giá trị và có tác động rất lớn đến việc ra quyết định đầu tư các dự án.
Liên quan đến phát triển du lịch, theo Bộ trưởng, Quảng Nam có các điểm du lịch lớn, thu được rất nhiều khách quốc tế và trong nước trong những năm qua. Nhưng chừng ấy là chưa đủ. Nếu chúng ta muốn phát triển du lịch hiện đại và tạo được nguồn thu lớn từ du lịch thì phải gắn với hai chữ “đẳng cấp” và “thương hiệu”. Cùng với lĩnh vực công nghiệp chế tác, cũng đến lúc Quảng Nam cần quan tâm phát triển ngành du lịch – dịch vụ của tỉnh theo hướng đẳng cấp và thương hiệu, trong đó mô hình Khu du lịch, nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An là một ví dụ.
“Với những đổi thay mà chúng ta đã thấy, với những gì mà Quảng Nam đã và đang làm được, chúng ta hoàn toàn tin tưởng Quảng Nam sẽ trở thành một địa phương mạnh toàn diện của cả vùng miền Trung – Tây Nguyên, đóng góp tích cực vào sự phát triển của cả nước” Bộ trưởng khẳng định.