Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN 2016, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ rõ quan điểm, là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đang cần phải thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với các nước thuộc nhóm trên.
“Để làm được điều này, Việt Nam đang theo đuổi định hướng chiến lược là phải phát triển với tốc độ thật nhanh, bền vững và mong muốn cũng như sẽ làm mọi việc để Việt Nam ở vị trí số một trong danh sách lựa chọn điểm đến làm ăn của các nhà đầu tư trong khu vực Đông Nam Á”, ông nói với giới kinh doanh ASEAN.
Việt Nam có nhiều cơ sở để đạt được vị trí số một trong danh sách lựa chọn điểm đến làm ăn của các nhà đầu tư trong khu vực Đông Nam Á. |
Việt Nam đang có nhiều cơ sở để đạt được mong muốn này.
Đó là Việt Nam là quốc gia có sự ổn định về an ninh, chính trị; không có những vấn đề về xung đột sắc tộc hay khủng bố. Hệ thống luật pháp ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tiêu chuẩn của hội nhập quốc tế. Ổn định kinh tế vĩ mô luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.
Đặc biệt, Việt Nam là một thị trường lớn với hơn 92 triệu dân cùng sự phát triển mạnh của tầng lớp trung lưu, cung cấp lực lượng lao động dồi dào có chất lượng và chi phí cạnh tranh; có sự kết nối chặt chẽ với thị trường hơn 600 triệu dân của khu vực và thị trường thế giới.
Bộ trưởng Dũng cũng nhắc tới tiến trình cải cách, đổi mới đang diễn ra mạnh mẽ như tái cơ cấu nền kinh tế; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng đồng bộ.
“Đặc biệt là Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, chính sách quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là cải cách thủ tục hành chính, vốn là điều quan tâm thứ hai sau luật pháp của các nhà đầu tư khi đến Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng, mong muốn này cần được sự tham gia hợp tác của cộng đồng đầu tư, đặc biệt thông qua việc gắn với lợi ích lâu dài của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, qua hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới; nâng cao giá trị thương hiệu, năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; cung ứng nguyên vật liệu; tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Tôi cho rằng, đối với khu vực ASEAN, việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN cũng không nằm ngoài mục tiêu tăng cường sự liên kết, hợp tác không những giữa các quốc gia thành viên mà còn giữa các cộng đồng doanh nghiệp của khu vực, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tôi mong muốn các lãnh đạo doanh nghiệp, các CEO, các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về đất nước chúng tôi, về tiềm năng, lợi thế, sự hấp dẫn và cả những thách thức của đất nước trong đầu tư, kinh doanh”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.