Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner. Ảnh: AFP |
"Tranh cãi về thương mại không bao giờ có người chiến thắng, chỉ có kẻ thua cuộc", ông Lindner nói với đài CNBC bên lề cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, D.C.
Chính sách thương mại của Mỹ sẽ như thế nào nếu ông Donald Trump được bầu làm tổng thống là một vấn đề hệ trọng, ông Lindner nhận định. "Trong trường hợp đó, chúng tôi cần những nỗ lực ngoại giao để thuyết phục bất kỳ ai vào Nhà Trắng rằng việc có xung đột thương mại với Liên minh châu Âu không vì lợi ích tốt nhất của Mỹ. Chúng tôi sẽ phải cân nhắc đến sự trả đũa", Bộ trưởng Tài chính Đức nói.
Ông Lindner cho biết vấn đề thương mại của Mỹ nằm ở Trung Quốc chứ không phải EU, đồng thời nói thêm rằng EU "không nên trở thành tác dụng phụ tiêu cực" của tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đầu tuần này, Phó tổng giám đốc IMF Gita Gopinath đã cảnh báo rằng việc leo thang căng thẳng thương mại và thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ "gây thiệt hại cho tất cả mọi người".
Trước đó, ông Trump đã đưa ra ý tưởng rằng nếu ông được bầu làm tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử ngày 5/11, thuế quan toàn diện từ 10% đến 20% có thể được áp dụng cho hầu hết các mặt hàng nhập khẩu, bất kể chúng đến từ đâu.
Reuters trích dẫn một nghiên cứu của Viện kinh tế Đức IW cho hay nếu Mỹ áp mức thuế 20% như trên, tổng sản phẩm quốc nội của EU và Đức sẽ giảm trong những năm tới. Thương mại là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Đức, cho nên căng thẳng gia tăng, bất ổn và thuế quan sẽ ảnh hưởng đến quốc gia này nặng nề hơn những quốc gia khác.
Đầu tháng này, Cơ quan thống kê Đức Destatis cho biết tầm quan trọng của Mỹ với tư cách là đối tác thương mại của Đức đang ngày càng tăng. Cơ quan này cho biết kể từ năm 2021, Mỹ là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Đức sau Trung Quốc, nhưng trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch thương mại của Đức với Mỹ cao hơn so với Trung Quốc. Theo Destatis, vào năm 2023, khoảng 9,9% hàng xuất khẩu của Đức là dành cho thị trường Mỹ.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như giữa EU và Trung Quốc đã gia tăng trong suốt cả năm qua. Cả Mỹ và EU đều đã áp dụng mức thuế quan cao hơn đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, với cáo buộc các hoạt động thương mại không công bằng.
Đáp lại, Trung Quốc cũng đã công bố mức thuế tạm thời cao hơn đối với một số hàng nhập khẩu từ EU. Hai bên đã và đang tiến hành một số cuộc điều tra về cạnh tranh, trợ cấp và các hoạt động khác của nhau, trong khi các biện pháp trả đũa vẫn tiếp tục.
Sau khi EU bỏ phiếu áp thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, Bộ trưởng Tài chính Đức đã kêu gọi khối này không nên bắt đầu một cuộc chiến thương mại. Đức trước đó đã phản đối việc tăng thuế, làm dấy lên lo ngại về tác động của tăng thuế đến các nhà sản xuất ô tô đang gặp khó khăn của nước này.
Tuần tới, EU sẽ áp dụng thêm thuế quan lên tới 35,3% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất sau khi kết thúc cuộc điều tra chống trợ cấp, nhưng khối này cho biết hai bên có thể tiếp tục các cuộc đàm phán sau đó, theo Reuters.
Theo thông báo mới nhất của Ủy ban châu Âu vào ngày 25/10, EU và Trung Quốc đã nhất trí sẽ sớm tổ chức thêm các cuộc đàm phán kỹ thuật về giải pháp thay thế cho thuế quan đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Hai bên đang xem xét các cam kết về giá tối thiểu từ các nhà sản xuất Trung Quốc hoặc các khoản đầu tư vào châu Âu như một giải pháp thay thế cho thuế quan.