Quốc tế
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen: Việc Mỹ vỡ nợ sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu
T.T - 11/05/2023 21:20
Ngày 11/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hối thúc Quốc hội nước này nâng trần nợ liên bang hiện ở mức 31.400 tỷ USD, qua đó ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nợ đe dọa nền kinh tế toàn cầu cũng như làm lung lay vị thế của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN

Phát biểu họp báo trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản, Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh việc vỡ nợ sẽ đe dọa những thành quả mà Mỹ đã rất nỗ lực gặt hái trong vài năm qua trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Bà cảnh báo việc Mỹ vỡ nợ sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu không chỉ khiến nền kinh tế số 1 thế giới thụt lùi, mà còn làm lung lay vị thế lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ. Viễn cảnh này, nếu xảy ra, cũng sẽ làm dấy lên sự hoài nghi xung quanh khả năng của Mỹ trong việc bảo vệ những lợi ích an ninh quốc gia.

Người đứng đầu Bộ Tài chính của Mỹ cũng cảnh báo việc nước này vỡ nợ có thể dẫn đến bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, như đã từng xảy ra trong cuộc tranh cãi về trần nợ năm 2011. Mỹ vỡ nợ có thể đẩy lãi suất của các khoản thế chấp mua nhà, thanh toán mua ô tô và thẻ tín dụng tăng cao.

Liên quan tới Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7, bà Yellen đã vạch ra những nội dung ưu tiên cần được thảo luận tại hội nghị, bao gồm các hành động cá nhân và tập thể để củng cố nền kinh tế toàn cầu và giảm lạm phát, cùng những nỗ lực dài hạn để nâng cao khả năng phục hồi kinh tế.

Bất chấp những rủi ro tiêu cực, bà Yellen đánh giá nền kinh tế toàn cầu vẫn đang diễn biến theo chiều hướng tích hơn nhiều so với dự báo 6 tháng trước, với tỷ lệ lạm phát ở hầu hết các quốc gia G7 đều đã "hạ nhiệt" và dự báo tăng trưởng được cải thiện. Mỹ đã triển khai biện pháp để củng cố niềm tin trong hệ thống ngân hàng của mình sau sự sụp đổ của 3 ngân hàng. Ngoài ra, Mỹ cũng đã ban hành luật để đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng thay thế và chip bán dẫn, đồng thời cũng chú trọng việc hỗ trợ các nước đang phát triển. Bà cho biết các thành viên G7 sẽ phối hợp đẩy mạnh xử lý nợ “kịp thời, toàn diện” đối với các nước lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Bộ trưởng Yellen cũng tuyên bố sẽ phối hợp với các đối tác G7 để xây dựng khả năng phục hồi kinh tế lớn hơn trong dài hạn bằng cách thúc đẩy sản xuất trong nước các mặt hàng thiết yếu và hỗ trợ các nước đang phát triển mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu. G7 cũng sẽ tiếp tục nỗ lực để giảm thiểu rủi ro địa chiến lược và chống lại mọi hình vi ép buộc trong kinh doanh.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G7 do Nhật Bản chủ trì sẽ diễn ra từ ngày 11 - 13/5 tại thành phố Niigata, miền Trung nước này. Tại hội nghị, Nhật Bản dự kiến thúc đẩy các nhà lãnh đạo tài chính G7 nhất trí thiết lập mối quan hệ đối tác cùng có lợi giữa các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp với các nước tiên tiến để tăng cường chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin liên quan
Tin khác