Thời sự
Bộ trưởng Tô Lâm: Tháng 7/2021 đủ điều kiện bỏ hộ khẩu giấy
Nguyễn Lê - 17/06/2020 07:37
Muổn bỏ sổ hộ khẩu thì ít nhất còn khoảng 50 triệu công dân cần được cấp căn cước công dân, và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định sẽ hoàn thành trong một năm nữa.
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại Quốc hội.

Muổn bỏ sổ hộ khẩu thì ít nhất còn khoảng 50 triệu công dân cần được cấp căn cước công dân, và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định sẽ hoàn thành trong một năm nữa, khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực.

Thảo luận về dự án luật này chiều 16/6, một số vị đaị biểu lo ngại về tiến độ cấp số định danh cá nhân. Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho biết, sau hơn 5 năm, kể từ khi Luật Căn cước công dân được Quốc hội thông qua với dự kiến đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện nay mới có 18 triệu công dân được cấp.

Công tác này cần rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối soát chặt chẽ. Trong khi đó, việc đầu tư bố trí kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế, với nguồn lực ngân sách hiện nay nhất là trong điều kiện vừa tập trung khắc phục dịch bệnh, phục hồi kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề xã hội khác thì việc bố trí, bảo đảm đủ 3 nghìn tỷ cho Bộ Công an như theo Đề án để hoàn thành việc này trong thời gian tới là rất khó khăn, bà Dung lo ngại.

Hơn nữa, hiện nay Bộ Công an đang đề xuất việc cho lùi thời gian khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thời điểm cụ thể lại chưa trõ ràng. Trong điều kiện như vậy, bà Dũng cho rằng việc dự kiến áp dụng Luật Cư trú với phương thức quản lý mới, dựa trên nền tảng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1/7/2021 khó có thể thực hiện được.

Bà Dung còn lo rằng ở khu vực dân tộc miền núi thì việc kết nối cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, chia sẻ thông tin giữa công an với các cơ quan nhà nước khác không đơn giản. Trong khi, sổ hộ khẩu là cơ sở pháp lý quan trọng được sử dụng khi người dân đến Ủy ban nhân dân xã để xin xác nhận thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước.

Nếu bỏ sổ hộ khẩu giấy ngay thì tất cả các Ủy ban nhân dân xã, các cơ quan Nhà nước từ cơ sở sẽ phải trang bị lại toàn bộ hệ thống máy tính, trang thiết bị để có thể truy cập, sử dụng, để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc xác nhận, thay vì việc chỉ kiểm tra sổ hộ khẩu như hiện nay. Bên cạnh đó, người được giao làm công tác này cũng sẽ phải được đào tạo, hướng dẫn, tập huấn để quản lý sử dụng. Việc thay đổi này sẽ tạo ra những chi phí xã hội không nhỏ. Nếu tính ra giá trị kinh tế thì có thể còn lớn hơn nhiều con số 3.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhấn mạnh sửa Luật cư trú là bỏ hộ khẩu giấy chứ không phải bỏ hộ khẩu, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) chia sẻ với lo lắng của đại biểu Dung song ông Hồng cho rằng, ngân sách nhà nước đảm bảo cho việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho căn cước công dân, nhưng do chưa bố trí được ngân sách nhà nước cho nên triển khai không đúng tiến độ.

Tất nhiên, theo đại biểu Hồng thì cái gì mới, cái gì khó thì bao giờ thực hiện cũng sẽ có độ trục trặc, độ vênh nhất định. Ông Hồng đề nghị Chính phủ nghiên cứu lộ trình triển khai thực hiện để tránh việc khi thực hiện không đồng bộ, ảnh hưởng đến hoạt động chung của xã hội, hoạt động quản lý cư trú, quản lý và hoạt động một số lĩnh vực khác.

Hồi âm băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm ước lượng còn khoảng 80 triệu công dân chưa được cấp căn cước công dân. Trừ đi 30 triệu người dưới 14 tuổi thì trước mắt ít nhất còn khoảng 50 triệu công dân cần được cấp căn cước công dân.

Bộ trưởng cũng cho biết thời gian dự kiến là sẽ còn 1 năm nữa để thực hiện việc này. "Nếu được Quốc hội và Chính phủ ủng hộ thì Bộ Công an hoàn toàn có cơ sở để 1 năm nữa hoàn thành được, khi luật này có hiệu lực", ông Lâm cam kết.

Bộ trưởng còn cho biết biết thêm là đã thu thập đưa vào hệ thống thông tin dữ liệu về 80 triệu công dân, lý do tốc độ nhanh hơn nhiều so với 4 năm trước (chỉ có 16 triệu) được Bộ trưởng lý giải là nhờ lực lượng công an chính quy được đưa về các xã. 99% các xã đã hoàn thành thu thập dữ liệu công dân, kiểm tra độ chính xác và đưa vào máy, Bộ trưởng thông tin.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang thông báo, Bộ Công an sẽ tiến hành cấp  căn cước công dân 12 số mới cho các đại biểu Quốc hội.

Theo hướng dẫn, đối với các đại biểu Quốc hội ở địa phương, Bộ Công an sẽ thực hiện các thủ tục cấp thể căn cước công dân ở nơi nghỉ của đại biểu ngoài giờ họp của Quốc hội từ chiều 16/6.

Còn đối với đại biểu Quốc hội Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Bộ Công an sẽ thực hiện các thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại phòng Thăng Long, nhà Quốc hội ngoài giờ làm việc của Quốc hội, bắt đầu từ 17/6.

Tin liên quan
Tin khác