Thời sự
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đề án xử lý ô nhiễm môi trường Sông Cầu rất đầy đủ, nhưng... thiếu vốn
Thế Hoàng - 31/10/2018 23:33
Theo Bộ trường Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Đề án xử lý ô nhiễm môi trường Sông Cầu rất đầy đủ, nhưng vấn đề chính là Đề án và các tiểu dự án đều bị thiếu vốn, không bố trí được nguồn vốn, đồng thời Bộ trưởng cũng khẳng định không thể trông chờ nguồn lực Chính phủ để xử lý ô nhiễm.
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, không thể giải quyết được tình trạng ô nhiễm nếu chỉ trông chờ nguồn lực của Chính phủ.

Tình trạng Sông Cầu bị ô nhiễm do phát triển kinh tế, cơ chế liên vùng còn hiệu quả không…, là những vấn đề được đại biểu quốc hội chất vấn tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường.

Trước bức xúc của ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang) về ô nhiễm từng lưu vực sông, trong đó có lưu vực Sông Cầu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Chúng ta đã xây dựng Đề án xử lý ô nhiễm môi trường Sông Cầu rất đầy đủ, nhưng vấn đề chính là Đề án và các tiểu dự án đều bị thiếu vốn, không bố trí được nguồn vốn”.

“Qua câu chuyện xử lý ô nhiễm tại các lưu vực sông, rõ ràng, nếu chỉ phụ thuộc nguồn lực Chính phủ sẽ không thành công, do đó, câu chuyện xã hội hóa nguồn lực để giải quyết tình trạng này là yêu cầu cấp bách”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về cơ chế xử lý, tôi đã báo cáo, phải xã hội hóa, nhưng thủ tục liên quan đến đấu giá phải đơn giản, tinh gọn, có cơ chế xác định đóng góp của người dân như thế nào (người dân hiện đóng 10%, trong khi Ngân sách nhà nước tại địa phương bỏ ra 90%), và điều quan trọng, đối với các làng nghề, người gây ô nhiễm , nếu phát hiện ra, thì sẽ phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh câu chuyện thiếu vốn, Bộ trưởng cũng thừa nhận khó khăn thứ 2 đó là xác định nước thải sinh hoạt. “Chúng ta có thể tính được lượng nước thải sinh hoạt của từng địa phương, để từ đó thu gom tập trung xử lý, từ đó tìm ra mô hình xử lý. Vai trò trách nhiệm là chúng ta phải thiết lập hệ thống quan trắc để xác định trách nhiệm của từng địa phương".

Cũng trong phiên chất vấn sáng nay 31/10, về tình trạng ô nhiễm Sông Nhuệ, Sông Đáy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, phải có Ban chỉ đạo liên ngành và phải xác định rõ trách nhiệm của từng địa phương với tư cách là người quản lý toàn bộ các nguồn thải địa phương đó khi cho rằng: “hiện nay, số liệu thống kê nguồn nước thải các địa phương từ nước thải sinh hoạt là nghề công nghiệp đã có đầy đủ. Chúng ta cần phải cung cấp Quota để làm sao từng địa phương có lộ trình để cắt giảm nước thải đối với lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy.

Việc cần làm nữa, phải sửa đổi các cơ chế chính sách. Đặc biệt là hiện nay liên quan đến việc xã hội hóa để các doanh nghiệp tư nhân có thể vào, các doanh nghiệp tư nhân hiện nay có đủ công nghệ, đủ năng lực nhưng mà vấn đề tài chính của nhà nước và tài chính, đóng góp chi phí của người gây ô nhiễm, cụ thể ở đây trong đó có cả nước thải sinh hoạt là người dân cũng như là các làng nghề, các khu công nghiệp.

“Tôi cho rằng, cần phải xem xét để chi phí hợp lý bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ để đảm bảo cho các doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư, vừa mang lại sự hiệu quả xã hội, vừa mang lại hiệu quả của doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được bài toán đối với sông Nhuệ, sông Đáy", Bộ trường Trần Hồng Hà kỳ vọng.

Về vấn đề liên quan đến chi phí nhà nước và người dân cũng như doanh nghiệp thì tôi đề nghị Bộ Tài chính sẽ chủ trì nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương để sớm có một cơ chế về phí thế nào phù hợp để đảm bảo được xử lý vấn đề môi trường, cũng như đầu tư hạ tầng liên quan đến thu gom nước thải tập trung.

Tin liên quan
Tin khác