Phản hồi về con số 675 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Chúng tôi không cố gắng đạt được con số để gây ấn tượng. Chúng tôi đã cân nhắc, rà soát rất kỹ trên cơ sở pháp lý và tình hình thực tế để phục vụ cho doanh nghiệp một cách tốt nhất nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước. |
Sáng nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là Tổ trưởng đã làm việc tại Bộ Công Thương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đây là buổi thứ hai của Tổ công tác làm việc tại Bộ Công Thương kể từ 10/2016.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, sau một năm, Bộ Công Thương đã có rất nhiều chuyển biến tích cực, kết quả rất đáng ghi nhận, biểu dương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chuyển lời động viên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dành cho những nỗ lực của Bộ Công Thương trong công tác cải cách hành chính.
“Một là, đổi mới, sắp xếp bộ máy theo hướng gọn nhẹ, tinh giảm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Hai là, biểu dương Bộ trưởng Bộ Công Thương thời gian qua đã thành lập tổ công tác của Bộ, đồng thời trực tiếp họp bàn, chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài; tham mưu cho Thủ tướng hướng xử lý cụ thể của từng dự án. Ba là, Bộ Công Thương vừa công bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. Đây là một động thái tích cực, rất đáng biểu dương của Bộ Công Thương”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chuyển lời động viên của Thủ tướng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, những lời động viên, đánh giá rất cao của Thủ tướng dành cho tập thể Bộ Công Thương là động lực rất lớn dành cho Bộ. Kết quả mà Bộ đạt được cho thấy quyết tâm rất cao của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng như sự đồng thuận, đoàn kết cao của tập thể các Cục, Vụ, các cán bộ Bộ Công Thương.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và Tổ Công tác của Thủ tướng trong buổi làm việc với Bộ Công thương sáng 22/9 |
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chuyển lời chỉ đạo của Thủ tướng: Bộ Công Thương cần tiếp tục xử lý các Dự án thua lỗ, kém hiệu quả kéo dài; thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần chỉ đạo... Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian của 2017 không còn nhiều nhưng mục tiêu của 2017 lớn, khối lượng công việc còn rất nhiều, đòi hỏi nỗ lực lớn của toàn ngành Công Thương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị, Bộ Công Thương cần xem xét theo hướng một mặt hàng chịu tác động của ít văn bản nhất, ít sự quản lý của các Bộ, ngành hoặc hai, ba đơn vị thuộc một Bộ…tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các sản phẩm đều có công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn, nếu mặt hàng nào doanh nghiệp công bố được thì để doanh nghiệp công bố, nếu địa phương công bố được thì phân cấp để địa phương công bố. Bộ trưởng đánh giá, Bộ Công Thương là một trong những Bộ, ngành có sự kết nối với doanh nghiệp nhanh; những kiến nghị, câu hỏi của doanh nghiệp cũng được Bộ nhanh chóng phản hồi, hầu như không bị nợ.
Phát biểu tại buổi làm việc, về 675 điều kiện kinh doanh vừa được công bố cắt giảm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Đây không phải là quyết định một sớm một chiều mà là quá trình làm việc lâu dài, qua nhiều đợt khác nhau với tinh thần nghiêm túc, khách quan, công khai, minh bạch và đồng bộ rất cao”.
Phản hồi trước ý kiến băn khoăn của một số đại biểu tại buổi làm việc về con số 675 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi không cố gắng đạt được con số để gây ấn tượng. Chúng tôi đã cân nhắc, rà soát rất kỹ trên cơ sở pháp lý và tình hình thực tế để phục vụ cho doanh nghiệp một cách tốt nhất nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước”.
Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thiết lập đường dây nóng về xuất nhập khẩu (Số điện thoại 024. 2220.2240 và địa chỉ email: thutucxuatnhapkhau@moit.gov.vn) và vận hành hiệu quả. Bộ trưởng sẽ sát sao chỉ đạo để Bộ phận Đường dây nóng hoạt động hiệu quả hơn, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Về một số vấn đề được Thủ tướng chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận thấy trách nhiệm to lớn của cá nhân Bộ trưởng cũng như của Bộ Công Thương trong việc xử lý các dự án yếu kém của Ngành và vấn đề cổ phần hóa.
Riêng về việc xử lý các dự án yếu kém, Bộ trưởng sẽ tiếp tục có những chỉ đạo sát sao và có các cuộc họp với các đơn vị để tìm giải pháp xử lý dứt điềm. Còn về vấn đề cổ phần hóa, Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2017 là năm thể hiện rất lớn quyết tâm của Bộ trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn như Sabeco, Điện lực, Dầu khí… đúng pháp luật, công khai, minh bạch, theo đúng chủ trương, đường lối Đảng, Nhà nước.
Tại buổi làm việc, rất nhiều các ý kiến của thành viên Tổ công tác Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công Thương, đặc biệt là việc cắt giảm được 675 điều kiện kinh doanh. Theo đó, có đại biểu cho biết, trong số các Bộ, ngành có những động thái tích cực trong công tác cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh thì Bộ Công Thương là Bộ duy nhất đưa ra được con số cụ thể và những nội dung, điều kiện kinh doanh được cắt giảm.
Kết luận buổi làm việc, riêng với vấn đề kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng gợi ý một số vấn đề Bộ Công Thương cần quan tâm giải quyết, như: Tiếp tục rà soát các danh mục hàng hóa còn chồng chéo giữa Bộ Công Thương với các Bộ, ngành theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là một hàng hóa chỉ do một Bộ/ngành quản lý; Tiếp tục rà soát các danh mục hàng hóa theo hướng thu hẹp hàng hóa ít bị kiểm tra, giảm thời gian lưu hàng khi thông quan; Tăng cường công nhận các kết quả của các nước nhập khẩu: kết quả thử nghiệm, hiệu suất năng lượng đối với hàng hóa nhập khẩu…; Những hàng hóa nhóm 2 phải xem lại hàng hóa gắn mã HS; Tiếp tục rà soát và ban hành các quy chuẩn Việt Nam; Khẩn trương kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa thực phẩm nhập khẩu; Bộ Công Thương sớm đề xuất nguyên tắc sửa văn bản theo nguyên tắc sửa một văn bản thì sửa được nhiều văn bản…
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, kết quả đạt được của Bộ Công Thương là một sự nỗ lực lớn, rất đáng ghi nhận; có sự chứng kiến, giám sát mạnh mẽ từ các cơ quan truyền thông, người dân và đặc biệt là doanh nghiệp. Sự chuyển biến này còn nhiều dư địa, nếu tháo gỡ tốt thì sẽ tạo điều kiện sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát triển thuận lợi hơn.