Thời sự
Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT xem lại khái niệm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Anh Minh - 23/04/2019 08:13
Bộ Tư pháp và Công ty TNHH Grab có quan điểm khá tương đồng đối với quy định liên quan đến khái niệm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và quy định đeo mào cho xe hợp đồng tại Dự thảo Nghị định mới nhất về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Vẫn còn rất nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Trong công văn số 1354/BTP – PLDSKT ngày 19/4, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa khá nhiều quy định tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86).

Cụ thể, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu lại khoản 2 Điều 3 dự thảo Nghị định liên quan khái niệm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau: "Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi".

Theo Bộ Tư pháp, với quy định như trên thì bất kỳ đơn vị nào thực hiện một công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc công đoạn quyết định giá cước vận tải đều bị coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định chưa làm rõ thế nào là trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe, thế nào là quyết định giá cước vận tải sẽ dễ dẫn đến áp dụng không thống nhất.

Bộ Tư pháp đề nghị chỉ coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong trường hợp thực hiện trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe đồng thời quyết định giá cước vận tải.

Bộ Tư pháp nhất trí với việc bổ sung quy định để quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống (sử dụng bộ đàm), khuyến khích các doanh 2 nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới công tác quản lý, điều hành xe taxi nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm Grab, Uber... để có quy định quản lý cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch.

Trước đó, trong văn bản góp ý Dự thảo Nghị định được gửi tới Bộ GTVT vào đầu tháng 4/2019, Grab cũng nêu quan ngại về việc phân chia các công đoạn của hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo, ban soạn thảo đề xuất áp dụng quy định nếu doanh nghiệp thực hiện một trong hai công đoạn sau “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe” hoặc “quyết định giá cước vận tải”, thì sẽ được coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Đại diện Grab e ngại rằng hai khái niệm sẽ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình thực thi, dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc áp dụng các quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, do hoạt động kinh doanh vận tải bao gồm nhiều công đoạn nê việc chỉ đưa hai công đoạn “điều hành phương tiện, lái xe” và “quyết định giá cước vận tải” vào định nghĩa kinh doanh vận tải, mà bỏ qua những công đoạn cốt lõi khác, như sử dụng và quản lý xe ô tô, thuê và quản lý người lái xe, điều khiển phương tiện, v.v. là không hợp lý.

“Cần quy định rõ ràng các khái niệm “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe” hoặc “quyết định giá cước vận tải”; đồng thời, bổ sung các công đoạn cốt lõi, đặc trưng của hoạt động kinh doanh vận tải vào khái niệm “kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”, đại diện Grab kiến nghị.

Liên quan đến khoản 5 Điều 6 dự thảo Nghị định bổ sung quy định "Trong thời gian 1 tháng xe taxi phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng; xác định thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình", Bộ Tư pháp cũng đề nghị bỏ quy định này.

Bộ Tư pháp nhấn mạnh, việc hạn chế thời gian xe taxi hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu là không có cơ sở pháp lý, không có cơ sở khoa học, mang tính chất áp đặt hành chính, tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT bỏ điểm c khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị định quy định "Xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải bảng điện tử với chữ xe "XE HỢP ĐỒNG"...". Đây là nội dung gây ra nhiều tranh cãi nhất trong bản dự thảo Nghị định được Bộ GTVT xin ý kiến Bộ Tư pháp hôm 3/4/2019.

Theo Bộ Tư pháp, do điểm a, điểm b khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị định đã quy định tất cả các loại xe hợp đồng đều phải có phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG", vì vậy, việc quy định như tại điểm c khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị định là không cần thiết.

Có quan điểm khá giống với Bộ Tư pháp, Grab cho rằng, mục tiêu của quy định về hộp đèn trên nóc xe là nhằm phục vụ cho việc nhận diện xe của khách hàng khi có nhu cầu đón, vẫy xe taxi trên đường (theo tinh thần Khoản 8 Điều 1 Thông tư 60/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT). Do đó, việc áp dụng quy định gắn hộp đèn trên nóc xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng (điểm b Khoản 1 Điều 6) và xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử (điểm c Khoản 1 Điều 7) là không cần thiết.

Theo Grab, nếu nhằm mục đích nhận diện xe kinh doanh cho cơ quan chức năng, thì tất cả các phương tiện đều đã được niêm yết phù hiệu “XE TAXI” hoặc “XE HỢP ĐỒNG” trên kính trước của xe như quy định pháp luật.

Nếu nhằm mục đích nhận diện xe cho hành khách thì cũng không cần thiết, vì thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc của lái xe đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng để nhận biết xe được kết nối. Bên cạnh đó, các xe này cũng không phục vụ, đón khách vãng lai trên đường như đối với loại xe taxi bằng hình thức vẫy. Trong khi đó, nếu triển khai đồng loạt quy định này chắc chắn sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Cần phải nói thêm rằng, trong lần góp ý lần này, Bộ Tư pháp tiếp tục đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bỏ quy định tại khoản 5 Điều 7 dự thảo Nghị định về việc đơn vị kinh doanh vận tải ô tô trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thông tin về hành trình, thời gian thực hiện.

“Việc yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo sẽ thêm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp mà cũng không bảo đảm đạt được mục đích quản lý xe hợp đồng. Nếu cần thiết báo cáo để phục vụ mục đích thống kê, quản lý thuế, có thể yêu cầu doanh nghiệp báo cáo chi tiết thông tin theo định kỳ (hàng tuần, hàng tháng) để tiết kiệm thời gian và công sức cho doanh nghiệp và Sở Giao thông vận tải”, Bộ Tư pháp khuyến nghị.

Tin liên quan
Tin khác