Theo Bộ Xây dựng, để thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021 - 2030 cần nguồn vốn khoảng 500.000 tỷ đồng. Vì vậy, Bộ đang dự thảo nghị quyết về nguồn vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng, tương đương 20% tổng nhu cầu vốn, để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội.
Tiêu chí, điều kiện vay của gói sẽ áp dụng theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP. Theo đó, người dân sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây mới, sửa chữa nhà ở, mức vay tối đa là 70% và không quá 1 tỷ đồng.
Gói vay nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng đề xuất sẽ lấy vốn từ trái phiếu Chính phủ. Ảnh: Trọng Tín |
Lãi suất của gói tín dụng 100.000 tỷ đồng sẽ bằng với mức cho vay với hộ nghèo được Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ (hiện đang là 6,6%/năm). Thời hạn vay tối đa 25 năm.
Thời gian giải ngân gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng sẽ kéo dài cho đến khi giải ngân hết gói tín dụng. Tuy nhiên, thời hạn sẽ không vượt quá ngày 31/12/2030.
Về lộ trình thực hiện, dự kiến trong giai đoạn 2025 - 2029, mỗi năm, gói sẽ giải ngân khoảng 16.500 tỷ đồng. Riêng năm 2030, số tiền giải ngân sẽ nâng lên thành 17.500 tỷ đồng.
Để thực hiện gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ, để có vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Trong một diễn biến khác, gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng đối với nhà ở xã hội vẫn chưa được khai thác triệt để. Theo báo cáo quý III/2024 của Bộ Xây dựng, hiện gói tín dụng này mới giải ngân được 1.783 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ chưa đến 1,5% tổng vốn. Trong đó, khoảng 1.633 tỷ đồng đã tiếp cận tới 15 dự án. Khoảng 150 tỷ đồng còn lại đến từ người vay mua nhà.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sử dụng tiền của các ngân hàng thương mại. Nguồn vốn này lại đến từ tiền gửi của khách hàng, do đó mức lãi suất ưu đãi không thể quá cao. Sức hấp dẫn của gói vay này trong mắt doanh nghiệp và người dân cũng vì vậy mà giảm xuống.
“Chúng ta cần có một nguồn vốn khác bền vững, lâu dài, sử dụng ngân sách Nhà nước là chủ đạo. Nguồn vốn đó sẽ được dồn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thay vì các ngân hàng thương mại. Khi được triển khai, đây sẽ là cú hích lớn cho thị trường bất động sản", ông Lực khẳng định.
Dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính & Bất động sản Toàn Cầu, các gói vay mua nhà ở xã hội hiện nay có mức lãi suất ưu đãi chưa phù hợp với thu nhập của người lao động.
Căn cứ vào GDP bình quân đầu người hiện nay, thu nhập của người dân trung bình khoảng 12 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, gói 120.000 tỷ đồng có lãi suất lên tới 7,5%/năm, gói vay của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng ở mức 6,6%/năm - tương đương mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo hiện tại.
Theo tính toán của ông Hiếu, nếu người mua nhà vay 2 tỷ đồng với mức lãi suất trên 5%/năm, thanh toán dần trong 20 năm, số tiền phải trả mỗi tháng cả gốc lẫn lãi sẽ là 13 triệu đồng.
“Nếu lãi suất cao hơn 5%/năm, thời hạn cho vay thấp hơn 20 năm, các gia đình có mức thu nhập trung bình ở Việt Nam sẽ rất khó mua được nhà, kể cả khi áp dụng những gói ưu đãi như 120.000 tỷ đồng hay 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội”, TS. Nguyễn Trí Hiếu bình luận.