Sức khỏe doanh nghiệp
Tham vọng mở rộng chuỗi bệnh viện của TNH gặp thách thức
Duy Bắc - 05/12/2024 08:29
Sở hữu quỹ tiền mặt hạn chế, nhưng với tham vọng trở thành chuỗi bệnh viện, Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH (mã TNH) sẽ phải lên kế hoạch huy động vốn để đầu tư xây dựng bệnh viện mới.

Chứng kiến kết quả kinh doanh lao dốc và chậm đưa thêm bệnh viện mới vào vận hành như kế hoạch ban đầu, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) bất ngờ hạ dự báo tình hình kinh doanh của Tập đoàn Bệnh viện TNH.

Cụ thể, SSI Research ước tính, năm 2024, Tập đoàn Bệnh viện TNH có thể ghi nhận doanh thu giảm 16,8% so với ước tính đầu năm, về 456 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 41,9% so với đầu năm, về 90 tỷ đồng. Năm 2025, ước tính doanh thu giảm 20,2% so với đầu năm, về 532 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 33,2% so với ước tính đầu năm, về 123 tỷ đồng. 

SSI Research cũng lưu ý rủi ro liên quan tới tham vọng của Tập đoàn Bệnh viện TNH vì số lượng bệnh nhân giảm, chi phí đầu tư tăng và cổ phiếu tiếp tục có khả năng bị pha loãng vì TNH cần huy động vốn để tài trợ cho các dự án mới trong tương lai.

Trước đó, liên quan tới phát triển dự án mới, Tập đoàn Bệnh viện TNH liên tục nâng vốn đầu tư và giảm quy mô dự án. Trong đó, Dự án Bệnh viện TNH Việt Yên vừa điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 135,1 tỷ đồng, lên 752,6 tỷ đồng; tăng vốn đầu tư Dự án Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên thêm 145,44 tỷ đồng, lên 803,24 tỷ đồng; giảm quy mô Dự án Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên từ 300 giường về 200 giường (giai đoạn I đi vào hoạt động từ năm 2019 với quy mô 150 giường), sẽ giảm quy mô giai đoạn II để phù hợp với nhu cầu thực tế.

Được biết, trong 9 tháng của năm 2024, Tập đoàn Bệnh viện TNH ghi nhận doanh thu giảm 20%, về 332,43 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 43,5%, về 62,6 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 40,4%, về 32,1% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 26,6%, về 18,8%.

Và nếu nhìn rộng ra, sau khi TNH đạt đỉnh lợi nhuận năm 2021 là 142,7 tỷ đồng, doanh nghiệp liên tục báo cáo lợi nhuận suy giảm, về 140,6 tỷ đồng (năm 2022) và về 139,2 tỷ đồng (năm 2023).

Đối với xây dựng bệnh viện mới, theo cập nhật thông tin dự án mới đây, đơn vị này cho biết, từ ngày 6/11/2024 đã đưa vào vận hành thêm Bệnh viện TNH Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) giai đoạn I với công suất 150 giường. Tính tới cuối quý III/2024, TNH đã đầu tư 26 tỷ đồng, chiếm 18% tổng vốn đầu tư Dự án Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên - Giai đoạn III, dự án dự kiến vận hành quý II/2025. Tính tới ngày 30/9/2024, TNH đã giải ngân 231 tỷ đồng Dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn, chiếm 26% tổng vốn đầu tư và dự kiến đưa dự án này vào hoạt động từ quý IV/2025.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Bệnh viện TNH tiền thân là Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, được thành lập năm 2013 với việc chỉ sở hữu 1 bệnh viện (150 giường và 950 dịch vụ y tế). Sau đó, Tập đoàn đã mở rộng lên 2 bệnh viện với tổng 600 giường và hơn 1.300 dịch vụ y tế và gần đây nhất, TNH lên kế hoạch tiếp tục mở rộng thương hiệu bệnh viện sang các tỉnh như Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội và Đà Nẵng với tham vọng trở thành chuỗi bệnh viện toàn quốc.

Trong đó, TNH đặt mục tiêu nâng số giường bệnh lên 2.000 đến 2.500 trong hệ thống trước năm 2030, khi hướng tới các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM…

“Các bệnh viện đều được xây dựng đảm bảo cơ sở vật chất tốt, nhân sự có chuyên môn cao. Khi TNH Hà Nội đi vào hoạt động, thì đã có nền tảng từ 5 bệnh viện khác đã hoạt động. Các bệnh viện ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng là trung tâm đào tạo nhân lực, cung cấp nhân lực cho hệ thống”, ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bệnh viện TNH chia sẻ.

SSI Research dự báo, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.363 tỷ đồng cho việc đầu tư, mở rộng 6 bệnh viện, bao gồm Bệnh viện TNH Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản TNH, Bệnh viện Mắt TNH, Bệnh viện Quốc tế TNH giai đoạn III, Bệnh viện TNH Lạng Sơn giai đoạn I và Bệnh viện TNH Việt Yên.

Tại thời điểm 30/9/2024, TNH chỉ sở hữu 47,34 tỷ đồng tiền mặt, nhưng tổng nợ vay lên tới 766,27 tỷ đồng, bằng 44,7% tổng vốn chủ sở hữu (đầu năm 2021 chỉ có dư nợ vay 473,37 tỷ đồng).

Có thể thấy, để tiếp tục thực hiện tham vọng xây dựng chuỗi bệnh viện tư nhân, TNH tiếp tục phụ thuộc lớn vào kế hoạch gọi vốn bên ngoài khi sở hữu lượng tiền mặt hạn chế và tổng vốn đầu tư lên tới 4.363 tỷ đồng. Công ty ngày một chịu chi phí lãi vay liên quan tới việc mở rộng các dự án bệnh viện mới.

Tin liên quan
Tin khác