Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế nhận được thông tin tại một số địa phương xuất hiện tình trạng mua bán, sử dụng "bóng cười" có chứa khí Ni tơ Oxyd (N20) nhất là tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke, khu vui chơi giải trí...
Ảnh minh hoạ. |
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm cho biết, khí Nitơ Oxyd (tên hóa học là Dinitrogen monoxyd) có công thức hóa học là N2O, là hóa chất được sử dụng trong công nghiệp (sản xuất pin mặt trời, trong kỹ thuật hàn, cắt, dùng cho máy, thiết bị phân tích, tăng công suất động cơ...);
Đồng thời được sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm (có trong danh mục phụ gia thực phẩm của Ủy ban thực phẩm quốc tế - Codex); và đang được nghiên cứu sử dụng để an thần, giảm đau trong nha khoa.
Tuy nhiên, việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí Nitơ Oxyd (N2O) có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là trong giới trẻ do thần kinh bị kích thích, hung phấn và gây cười; sử dụng lâu sẽ dẫn đến tự kỉ, đau đầu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể; sử dụng liều cao có thể dẫn đến ảo giác... Đồng thời có thể có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Để tăng cường công tác quản lý đối với khí Nitơ Oxyd (N2O) theo quy định pháp luật, phòng chống việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích, Bộ Y tế mới đây có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai các hoạt động sau:
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh, sang chiết sản phẩm khí Nitơ Oxyd (N2O) bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý hóa chất cũng như quản lý phụ gia thực phẩm.
Các công ty phải khai báo nhập khẩu, kinh doanh khí Nitơ Oxyd (N2O) làm phụ gia thực phẩm; việc thanh tra, kiểm tra các quy định về an toàn thực phẩm nói chung ưu tiên kiểm tra việc khai báo kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu trước khi thông quan;
Đồng thời kiểm tra việc tuân thủ các quy định tại Thông tư số 25/2019/TT- BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế (bảo đảm truy xuất được người bán và người mua), xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí Nitơ Oxyd (N2O).
Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng sử dụng, sử dụng sai mục đích khí Nitơ Oxyd (N2O).
Ban hành các quy định theo thẩm quyền để ngăn ngừa và xử lý việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích khí Nitơ Oxyd (N2O) nhất là tại các điểm vui chơi, giải trí như các quán bar, vũ trường, quán karaoke, rạp chiếu phim, công sở, trường học...
Thực hiện rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm khí Nitơ Oxyd (N2O) nhằm bảo đảm kiểm soát triệt để nguy cơ lạm dụng, sử dụng sai mục đích, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh theo đúng quy định.
Về ngộ độc bóng cười, mới đây, Bệnh viện Bãi Cháy tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân 15 tuổi bị tổn thương tủy cổ, tê yếu tay chân do ngộ độc khí N20 sau thời gian sử dụng bóng cười dài ngày.
Bệnh nhân Vũ T. L. A. (15 tuổi, trú tại Quảng Ninh) đến khám tại phòng khám Nội 3, Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng tê bì hai tay, hai chân tê bì, yếu dần, đi lại khó khăn kèm theo sụt cân nhiều.
Trước đó, người bệnh đã sử dụng bóng cười liên tục trong vòng 10 ngày, mỗi ngày khoảng 10 quả.
Kết quả chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có hình ảnh tổn thương sừng sau tủy cổ. Căn cứ vào thăm khám lân sàng, cận lâm sàng, kết hợp khai thác thông tin người bệnh, bác sĩ chuyên gia tại phòng khám yêu cầu Nội 3 đã chẩn đoán bệnh rễ thần kinh tủy sống cổ, theo dõi do ngộ độc khí cười N20.
Theo các bác sĩ của Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân ngộ độc khí N20 do sử dụng bóng cười dài ngày.
Các triệu chứng thần kinh chủ yếu thường gặp như tê bì, yếu hoặc yếu nhẹ tay chân, đi lại không vững có hoặc không có tổn thương tủy cổ…
Cũng về ngộ độc bóng cười, thống kê của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai gần đây cho thấy, gần như ngày nào cũng có bệnh nhân nằm điều trị nội trú tại viện do hứng chịu hậu quả từ việc sử dụng bóng cười.
Nhẹ thì có biểu hiện tê chân tay, giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, suy giảm sức khỏe, nặng thì tổn thương nghiêm trọng đến hệ thống tủy sống, tổn thương não và rối loạn tâm thần.
Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ tác hại của bóng cười nên khó có thể hồi phục tổn thương, gây tàn phế suốt đời. Thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu chậm trễ trong việc điều trị.
Đặc biệt, điều nguy hiểm hơn, theo cảnh báo của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, người thường xuyên sử dụng bóng cười sẽ dẫn đến nghiện và dần dần sẽ tiếp tục tìm đến các loại ma túy khác như cần sa, ma túy tổng hợp để thỏa mãn thú vui lệch lạc.
Thực tế trong thời gian qua ở nhiều địa phương trong cả nước, tình trạng người sử dụng bóng cười có kèm theo các chất ma túy tổng hợp diễn ra rất nhiều.
Còn theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết gần đây cơ sở đã tiếp nhận nhiều ca bệnh đến khám với lý do tê bì chân tay do hút bóng cười.
Bệnh nhân B.H.Q, nữ, 27 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) thường xuyên cảm thấy chân tay tê bì, yếu, tăng cảm giác mỏi khi vận động và dễ rơi đồ vật khi cầm sau một năm liên tục hít khí trong bóng cười với tần suất năm quả/đêm, 3-4 đêm/tuần.
Một trường hợp khác đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec có triệu chứng tương tự. Đó là bệnh nhân N.N.H, nam, 33 tuổi (Bắc Kạn), đã từng sử dụng ketamin, thuốc lắc, sử dụng không liên tục trong nhiều năm, đã dừng sáu tháng nay và có sử dụng bóng cười sáu tháng liền.
BSCKI. Nguyễn Đình Tuấn, chuyên khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, hai trường hợp nêu trên là những hệ luỵ về sức khoẻ của người trẻ khi sử dụng bóng cười mà không phải ai cũng biết.