Ông Phạm Đình Soạn, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã bày tỏ quan điểm như vậy tại Hội thảo “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam” được tổ chức mới đây.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện nay, vốn nhà nước nằm tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (không tính trong các doanh nghiệp cổ phần) lên tới 1,3 triệu tỷ đồng. Đây là nguồn lực khổng lồ và những câu chuyện về các đại dự án thua lỗ, mất vốn thời gian qua đã cảnh báo, nếu không được quản lý chặt chẽ, vốn nhà nước sẽ thất thoát, lãng phí mà khó có thể quy trách nhiệm một cách rành rẽ.
Nhà máy Đạm Ninh Bình làm ăn thua lỗ do những hạn chế trong công tác quản lý. |
Lo ngại cải cách nửa vời
Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mô hình cơ quan quản lý có ưu điểm là vị thế pháp lý và chính trị mạnh hơn mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, do là cơ quan nhà nước, nên việc khuyến khích động lực và trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý chưa rõ ràng, cụ thể như mô hình doanh nghiệp. Hơn nữa, chế độ viên chức nhà nước không đủ linh hoạt, tự chủ và nhạy bén với thay đổi của thị trường.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài chính doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu chọn mô hình này sẽ có nhiều thách thức. Chẳng hạn, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định phạm vi đầu tư vốn, các khoản thu hồi vốn ngân sách đầu tư vào các tổ chức kinh tế, cổ tức, lợi nhuận được chia, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước là nguồn thu cân đối ngân sách nhà nước. Trong khi đó, dự thảo đề án lại cho phép ủy ban được trích các nguồn thu của ngân sách nhà nước để tạo nguồn kinh phí hoạt động. Như vậy, để thành lập siêu ủy ban, cần phải chờ Quốc hội sửa lại các luật có liên quan
Một hạn chế khác được chỉ ra là ủy ban chuyên trách chỉ thực hiện vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với 30 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Đối với các doanh nghiệp nhà nước còn lại vẫn phân công Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh (đối với doanh nghiệp công ích thủy nông, công ty nông lâm trường); Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh); Ngân hàng Nhà nước (đối với các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước) thực hiện vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu. ‘‘Vậy thực chất, có phải đây vẫn là mô hình phân tán, không đổi mới?”, ông Tiến đặt câu hỏi.
Từng là người trong cuộc, ông Phạm Đình Soạn cho biết, Tổng cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp trước đây bản chất vẫn chỉ là cơ quan hành chính trực tiếp can thiệp hoạt động doanh nghiệp, trực tiếp cấp phát vốn. Vì vậy, đây chỉ là sự chuyển giao từ chỗ này sang chỗ khác về mối quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp, mà không phải thay đổi về “chất” mối quan hệ này. Mô hình này vấp phải sự phản ứng, hoặc không đồng tình của nhiều địa phương, thậm chí một số bộ cũng không ủng hộ. Sau 4 năm thành lập, Bộ Tài chính đã phải giải thể cơ quan này.
Đổi mới tư duy hành động
Theo ông Phạm Đức Trung, mô hình doanh nghiệp có ưu điểm về tính linh hoạt, về chi phí và thủ tục thành lập gọn nhẹ. Về phương diện đầu tư vốn để sinh lời, ưu điểm của mô hình doanh nghiệp rõ nét hơn, tạo động lực, trách nhiệm và phù hợp hơn với hoạt động kinh doanh vốn nhà nước. Tuy vậy, vị thế pháp lý và chính trị yếu hơn có thể dẫn đến việc không dễ chuyển vốn của các tập đoàn, tổng công ty về doanh nghiệp này quản lý.
Ngoài ra, cơ chế kinh doanh vì lợi nhuận, mặc dù đem lại hiệu quả rõ nét hơn, nhưng có thể ảnh hưởng đến chức năng đầu tàu phát triển các lĩnh vực nền tảng cần vai trò của doanh nghiệp nhà nước.
Mô hình doanh nghiệp, theo quan điểm của ông Đinh Xuân Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, đảm bảo được yêu cầu tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu, phân định rõ quyền quản trị công ty với quyền chủ sở hữu (cổ đông). Công ty này không phải là cơ quan hành chính, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp, mà thông qua hệ thống quản trị doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả bảo toàn và gia tăng giá trị vốn đầu tư.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng chia sẻ quan điểm rằng, cần quyết tâm và cả sự quyết liệt ở các cấp cao nhất mới có thể đưa mô hình này hiệu quả và hoàn thành tốt sứ mệnh của nó.
Hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hơn 10 năm qua cho thấy, hạn chế lớn nhất của mô hình doanh nghiệp là vị thế pháp lý. Đơn cử, lấy hình mẫu mô hình Temasek của Singaporre, nhưng khâu tổ chức thực hiện tại SCIC chưa đúng với yêu cầu của Đề án thành lập đề ra.
Cho đến thời điểm này, vẫn còn hơn 200 doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao vốn về SCIC. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhiều doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao cũng có sự thống nhất cao.... giữa SCIC và cơ quan đại diện vốn nhà nước (các bộ, ngành, địa phương), nhưng việc chuyển giao vốn vẫn gặp nhiều vướng mắc. Ngay hệ thống người đại diện, vốn là những cánh tay nối dài của SCIC, cho đến nay, vẫn chưa có những quy định, hướng dẫn cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm của họ.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế độc lập, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, cần định vị và đặt ra mục tiêu rõ ràng như: Nhà nước muốn quản lý vốn tập trung 30%, 70% hay nhiều hơn, từ đó mới có thể xác định mô hình phù hợp. “Nếu không, việc lựa chọn mô hình sẽ chẳng khác nào tung đồng xu chọn xấp ngửa”, ông Thành nói.
“Việc lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước rất quan trọng. Bởi vậy, chúng ta cần cân nhắc, lựa chọn mô hình hợp lý, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm đã có trong thời gian qua và các kinh nghiệm trên thế giới, cũng như mục tiêu quản lý vốn nhà nước tới đây”, ông Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Theo tôi, không nên tập trung quyền lực tài chính và quyền lực quản lý vốn vào một cơ quan. Chúng ta muốn bỏ đi bộ chủ quản, không giao quyền quản lý vốn, mà thành lập một cơ quan thì vừa có quyền lực hành chính, vừa có quyền lực về vốn là không thích hợp. Quy mô vốn nhà nước là rất lớn, đòi hỏi khả năng quản lý rất cao, việc tập trung vào một cơ quan sẽ tạo quyền lực quá lớn là không nên.
Tôi đề nghị thành lập hai tập đoàn tài chính của nhà nước, được phân công theo lĩnh vực ngành nghề để quản lý, hoặc phân chia lĩnh vực đầu tư. Các doanh nghiệp này thực hiện nhiệm vụ tập hợp tất cả vốn của doanh nghiệp nhà nước, thực hiện vai trò quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp hoạt động như công ty tài chính đầu tư vào các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước.
Việc thành lập các công ty quản lý vốn Nhà nước như vậy vẫn đảm bảo quyền tự chủ trong kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường, đảm bảo khả năng cạnh tranh và công ty tài chính quản lý vốn sẽ hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư, chứ không phải tư cách một cơ quan chủ quản, càng không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành thì đảm bảo quản lý vốn nhà nước hiệu quả hơn. Công ty đầu tư tài chính thì chỉ chịu trách nhiệm nguồn vốn đầu tư của mình vào các khoản đầu tư đó, chứ không phải là cơ quan cấp trên, có quyền can thiệp vào doanh nghiệp.
Hạn chế tối đa can thiệp hành chính vào doanh nghiệp
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Cơ quan quản lý vốn nhà nước phải là một nhà đầu tư chủ động, trả lời được các câu hỏi mà hiện tại Chính phủ cũng không dễ đưa ra như: DDĐang có bao nhiêu tài sản công có tính thương mại, nằm ở đâu, dưới dạng nào, cái nào đang sinh lợi, cái nào kém hiệu quả, cái nào cần tiếp tục để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế hay vốn “mồi”, cái nào cần thoái để trả lại không gian cho đầu tư tư nhân?...
Tuy nhiên, quan trọng nhất là sẽ không có một cơ quan nào vừa làm chức năng hoạch định chính sách, điều tiết, quản lý thị trường, vừa quyết định đầu tư, kinh doanh.
Dù gọi với cái tên gì đi chăng nữa, thì cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp sẽ phải hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính và can thiệp chính trị mang tính vụ việc vào quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, làm sai lệch mục tiêu chiến lược và dài hạn của đầu tư nhà nước.
Dù là lựa chọn mô hình nào cũng phải có lộ trình chuyển giao doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, an sinh xã hội, doanh nghiệp quốc phòng an ninh, doanh nghiệp là các tổ chức kinh tế đặc thù của các bộ, ngân hàng thương mại. Ngoài ra phải giải quyết vấn đề doanh nghiệp lớn của các địa phương như Hà Nội, TP.HCM.