Thời sự
Bội chi giảm nếu tính theo thông lệ quốc tế
Mạnh Bôn - 31/08/2013 08:15
“Cách tính bội chi sẽ thực hiện theo thông lệ quốc tế để có cái nhìn chính xác hơn về an ninh tài chính quốc gia khi Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào năm tới”, TS. Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn. >>> Quá khó để giữ bội chi 4,8% GDP >>> Tiết kiệm tối đa để giảm bội chi >>> 

Theo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, mức bội chi tính theo thông lệ quốc tế sẽ dưới 5% GDP vào năm 2015. Theo ông, liệu mục tiêu này có thực hiện được?

Việc giảm mức bội chi xuống dưới 5% GDP không chỉ là mục tiêu, mà còn là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

TS. Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách
của Quốc hội

Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2013 – 2015, với nhiệm vụ đặt ra là giảm mức bội chi từ mức 4,8% GDP trong năm nay xuống còn 4,7% GDP vào năm 2014 và năm 2015 giảm xuống còn 4,5% GDP.

Mức bội chi tiếp tục giảm trong giai đoạn 2016 - 2020 để tiến tới cân bằng thu - chi.

Vấn đề đặt ra là, cách xác định bội chi của Việt Nam khác với thông lệ quốc tế. Nếu tính theo thông lệ quốc tế, thì mức bội chi sẽ khác, thưa ông?

Hiện tại, phần trái phiếu chính phủ huy động hàng năm không được hạch toán vào cân đối ngân sách, nên xác định mức bội chi chưa thực sự chính xác.

Đây là sự khác biệt cơ bản trong cách tính bội chi của Việt Nam so với các nước trên thế giới. Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi đang được Chính phủ xây dựng sẽ khắc phục bất cập này.

Tôi muốn nói thêm rằng, các mức bội chi nêu trên đã tính cả phần phát hành trái phiếu chính phủ theo đúng thông lệ quốc tế.

Nếu tính bội chi theo thông lệ quốc tế, thì bội chi của nước ta sẽ thấp hơn rất nhiều. Cụ thể, năm 2012, mức bội chi tính theo quy định của Việt Nam là 140.200 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP, nhưng nếu tính theo thông lệ quốc tế, con số này chỉ là 81.350 tỷ đồng, tương đương 2,76% GDP.

Thưa ông, nhưng nhiều người cho rằng, nếu tính theo thông lệ quốc tế, thì mức bội chi của nước ta sẽ cao hơn nhiều, chứ không giảm?

Có thể do nhiều người không hiểu hết sự khác biệt trong cách tính bội chi của nước ta với thông lệ quốc tế, nên mới nghĩ vậy.

Vậy theo ông, hiểu bội chi thế nào cho chính xác?

Theo quy định hiện hành, thu ngân sách nhà nước bao gồm khoản thu từ thuế, phí, lệ phí; thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước… Chi ngân sách nhà nước bao gồm khoản chi phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước; chi trả nợ của Nhà nước…

Như vậy, nguồn thu từ huy động trái phiếu chính phủ không được tính vào thu ngân sách nhà nước, mà được hạch toán ngoài ngân sách nhà nước. Nhưng phần trả nợ thì lại được tính vào chi ngân sách, nên số bội chi mới tăng lên.

Cụ thể, năm 2012, ngân sách nhà nước trả nợ gốc 58.850 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm nay chi trả nợ gốc 30.284 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trả nợ gốc được tính vào chi ngân sách, nên bội chi tăng cao.

Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, các nước chỉ tính phần phần ngân sách trả lãi khoản vay từ nguồn huy động trái phiếu chính phủ, chứ không tính phần trả nợ gốc. Do đó, nếu tính theo thông lệ quốc tế, thì chắc chắn mức bội chi của Việt Nam không cao như vậy.

Nếu tính theo thông lệ quốc tế, thì bội chi tuyệt đối có giảm không, thưa ông?

Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam cần rất nhiều vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng để phát triển kinh tế ổn định, vững chắc, nên vẫn phải tiếp tục duy trì mức bội chi ở mức hợp lý.

Toàn bộ số tiền bội chi được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước. Vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc không sử dụng cho tiêu dùng, chỉ được sử dụng cho mục đích phát triển và bảo đảm bố trí ngân sách để chủ động trả hết nợ khi đến hạn.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, năm nay, ngân sách nhà nước phải vay 162.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi, trong đó vay trong nước (thông qua phát hành trái phiếu chính phủ) 135.000 tỷ đồng. Năm 2014 và 2015, ngân sách dự kiến phải vay tương ứng 182.000 và 200.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi, trong đó vay trong nước tương ứng là 149.000 tỷ đồng và 160.000 tỷ đồng.

Về số tuyệt đối thì bội chi ngày càng tăng, còn về tương đối so với GDP, mức bội chi giảm dần do quy mô nền kinh tế ngày càng tăng.

Tin liên quan
Tin khác