TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu: “Thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012 vô cùng khó khăn, nhưng năm 2013 còn khó khăn hơn.
| ||
Trong các tháng còn lại của năm, rất khó bảo đảm thu ngân sách đạt dự toán |
Nếu không có các giải pháp tăng thu, thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bảo đảm tỷ lệ bội chi 4,8% GDP, vì có rất nhiều khoản không thể không chi, như tăng lương, trả nợ, bảo đảm an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển… để phục hồi kinh tế”.
Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 356.520 tỷ đồng, chỉ bằng 43,7% dự toán.
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm, NSNN dù đã hết sức tằn tiện (lùi thời điểm tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1/2013 sang ngày 1/7/2013), nhưng vẫn phải chi tới 448.910 tỷ đồng.
Tổng mức bội chi trong 6 tháng đầu năm đã lên đến 92.390 tỷ đồng, bằng 57% mức bội chi tối đa được Quốc hội cho phép và bằng
tới 91,3% mức bội chi được phép nếu tính theo thông lệ quốc tế.
Trước thực tế này, ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị, nếu trong qúy III này, tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn khó khăn, NSNN hụt thu lớn, thì Chính phủ sớm trình Quốc hội phương án điều chỉnh số thu và mức bội chi không để bị động, khi cân đối thu - chi có khoảng cách quá lớn.
Tuy nhiên, theo ông Chiểu, đây chỉ là giải pháp “cực chẳng đã”, còn trước mắt, vẫn phải phấn đấu đạt mức thu NSNN như dự toán. Muốn bảo đảm mức bội chi 4,8% GDP, một trong các giải pháp quan trọng nhất, là phải khơi thông kênh tín dụng để đổ vốn vào nền kinh tế. “Các tổ chức tín dụng cần cơ cấu lại nợ, tổ chức khoanh nợ, giãn nợ và nên xác định điều kiện duy nhất là dự án xin vay có hiệu quả để tất cả các dự án khả thi của mọi doanh nghiệp đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhanh nhất và thuận lợi nhất, cùng với việc điều chỉnh lãi suất linh hoạt theo cơ chế thị trường. Cần phải quyết liệt thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối thiểu 12% trong năm nay và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ cần thấp hơn 8% là được. Đây là giải pháp hữu hiệu để đạt được mức tăng trưởng kinh tế 5,5%, mới mong bảo đảm số thu NSNN và bảo đảm mức bội chi 4,8% GDP”, ông Chiểu đề xuất.
TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng đề xuất, trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn như hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng trước nguy cơ không đạt kế hoạch, cần phải “mở hầu bao” vốn đầu tư cho các công trình dự án dở dang. Tăng đầu tư công, chi tiêu công như một cú huých để kích tổng cầu.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh năm nay còn khó khăn hơn nhiều so với năm ngoái, với cơ hội kinh doanh bị thu hẹp, tổng cầu giảm quá mạnh, tiêu dùng thấp trong nước thấp (tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,9%, thay vì 6,7% của cùng kỳ năm 2012); tổng đầu tư toàn xã hội giảm từ mức 42% GDP những năm trước xuống còn 29,6% GDP trong 6 tháng đầu năm nay… Trước thực tế này, nhiều định chế tài chính quốc tế, như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… đều dự báo, GDP của Việt Nam trong năm nay chỉ tăng 5 - 5,3%.
“Với tình hình này, việc bảo đảm số thu NSNN, giữ được bội chi là một thách thức vô cùng lớn”, ông Võ Trí Thành bình luận và cho rằng, muốn bảo đảm tổng mức bội chi 4,8% GDP (tối đa là 162.000 tỷ đồng) trên cơ sở GDP tăng trưởng 5,5%, thu ngân sách đạt dự toán, thì các cấp, các ngành phải thực hiện triệt để Nghị quyết 02/NQ-CP. Trong đó, phải tập trung đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư đối với dự án, chương trình sử dụng vốn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ; tạo thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính cho nhà đầu tư; thực hiện biện pháp về vốn tín dụng, lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực có sản phẩm tồn kho lớn, như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng…
“Cũng có quan điểm cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nên sử dụng liệu pháp mạnh như đã từng thực hiện như năm 2009, tức là triển khai gói hỗ trợ nền kinh tế cỡ 200.000 tỷ đồng. Nếu sử dụng giải pháp này, GDP có thể tăng cao trở lại, nhưng rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới bảo đảm các cân đối vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát và giữ mức bội chi 4,8%. Nền kinh tế vĩ mô của chúng ta bước đầu đã ổn định. Chúng ta không đánh đổi sự ổn định này bằng bất cứ giá nào. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, chỉ có thực hiện triệt để các giải pháp kể trên mới mong bảo đảm được số thu NSNN và giữ được mức bội chi như mục tiêu đặt ra”, ông Thành nhận định.
Nam Kinh