Mới đây, gần 100.000 tấn thực phẩm đông lạnh hôi thối, trong đó có những sản phẩm có “tuổi đời” tới 40 năm đã bị lực lượng chức năng thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc thu giữ. Số thực phẩm này bao gồm: thịt bò, chân giò lợn, chân, cánh gà, vịt…
Chưa nói đến việc người Trung Quốc phẫn nộ như thế nào trước sự việc này, nhưng chắc chắn người Việt Nam cũng cảm thấy “lạnh gáy” bởi ai cũng biết, bấy lâu nay thực phẩm bẩn nhập lậu từ Trung Quốc xuất hiện khá nhiều tại Việt Nam.
Hồi đầu tháng 5-2015, đoàn kiểm tra liên ngành cơ động phòng, chống dịch động vật tỉnh Bắc Giang kiểm tra ô tô BKS: 89C-028.15 đã phát hiện 1 tấn nầm lợn chứa trong 20 thùng hàng bốc mùi hôi thối. Toàn bộ số hàng nói trên không có chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hai ví dụ trên cho thấy, thực phẩm bẩn vẫn còn đất sống và được tiếp tay bởi những kẻ kinh doanh thiếu lương tâm.
Chắc nó… chừa mình ra!
Trong số các loại thực phẩm hôi thối, bốc mùi bị cơ quan chức năng bắt giữ nhiều nhất vẫn là chân, cổ cánh gà, các loại nội tạng như lòng, tim, dạ dày, nầm động vật… Đây là những loại thực phẩm được tiêu thụ rất phổ biến tại các quán nhậu, nhà hàng.
Tại các quán nhậu đêm vỉa hè như phố Chùa Láng, đường Lê Đức Thọ, khu vực chợ Đồng Xuân hay nhiều quán nướng dọc phố Mã Mây, Hòe Nhai, Lý Văn Phúc… có thể dễ dàng bắt gặp các bàn tiệc bốc khói thơm lừng với các món chủ đạo là lòng, nầm hay chân, cánh gà nướng. Và dĩ nhiên, không ai biết các chủ quán này lấy hàng từ nguồn nào. Còn thực khách thì khuất mắt trông coi, cứ đồ nướng đưa lên thì tất cả đều nhiệt tình… zô 100%.
Nguyễn Phước Long, sinh viên trường Đại học Thương mại, một thực khách quen thuộc của các quán nướng trên đường Lê Đức Thọ cho biết: “Nghe tin về các vụ bắt thực phẩm thối hoặc tẩm hóa chất thấy cũng rất đáng sợ. Đôi lúc ngồi nhậu với bạn bè em cũng tự hỏi, tại sao mấy cái quán nho nhỏ ngoài vỉa hè này lại nhiều nầm dê, nầm bò đến thế, muốn gọi bao nhiêu cũng có.
Ai cũng biết món nầm vốn chỉ có ở dê cái, bò cái, không lẽ ở đâu đó người ta chuyên thịt bò cái, dê cái để bán cho mấy quán nhậu “cỏ” loại này?”. Đặt câu hỏi như vậy, nhưng rồi chính anh Long lại tặc lưỡi: “Nhưng mà sống chết có số. Em ăn ở đây quen rồi, nếu có bán “đồ Tàu” thì chắc chủ quán cũng phải… chừa mặt mình ra”.
Còn bạn Lê Thanh Thúy, trú tại phố Hàn Thuyên thì lại chẳng hề tỏ ra băn khoăn khi gọi món chân gà và nội tạng nướng: “Em thấy mấy quán này lúc nào cũng đông nghịt. Tất cả mọi người vào đây đều ăn như thế chứ đâu có riêng mình em. Vả lại nếu có tẩm hóa chất thì ăn nhiều mới bị ung thư chứ như bọn em, cả tuần may ra mới ngồi ăn một lần, chắc không vấn đề gì. Bây giờ cái gì cũng độc, cứ kiêng cứ tránh thì chỉ có… nhịn”.
Theo tìm hiểu, một trong những chiêu đơn giản nhất để các quán nhậu tẩy màu và mùi các loại thực phẩm hôi thối là ngâm, rửa chúng bằng oxy già. Chỉ trong chốc lát, những chiếc tai lợn, chân gà… sẽ trắng bóc và chủ quán chỉ việc tẩm ướp gia vị (phần lớn cũng là phụ gia không rõ nguồn gốc) rồi phục vụ thực khách.
Bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học Kỹ thuật ATTP Việt Nam cho biết: “Đặc điểm chung của thực phẩm khi bị ngâm hoá chất là chúng sẽ không gây ngộ độc ngay. Tuy nhiên, chúng có thể tích tụ trong cơ thể và đến một ngưỡng nào đó mới phát tác, tàn phá cơ quan phủ tạng. Các hóa chất có nhiều kim loại nặng sẽ tồn lưu ở những cơ quan đại thể của người ăn phải và chúng đọng lại ở bộ phận nào sẽ phá huỷ bộ phận đó. Đó là chưa kể những thực phẩm đó từng bị nhiễm nấm mốc, dù tẩy rửa, nướng chín cũng không hết. Nấm mốc sẽ sinh ra độc tố Aflatoxin, gây bệnh ung thư”.
Khó nhận biết thực phẩm đông lạnh còn hay hết hạn Trao đổi với Báo ANTĐ chiều 30-6, bà Mai Thị Hồng Hạnh, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, các quán ăn “nhậu” vỉa hè như chân gà nướng, nầm nướng ở Hà Nội ngày càng nhiều và thút thu hút lượng khách hàng khá lớn. Trong kế hoạch thanh kiểm tra ATVSTP định kỳ cũng như đột xuất, Thanh tra Sở Y tế, Chi Cục ATVSTP Hà Nội vẫn thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP tại các cửa hàng này để kịp thời chấn chỉnh. Với người tiêu dùng, bà Mai Thị Hồng Hạnh khuyến cáo, khi đến ăn tại các quán ăn vỉa hè, nên chọn các quán ăn sạch sẽ, điều kiện vệ sinh (từ chỗ ngồi, vật dụng bảo quản thực phẩm…) đảm bảo, có đầy đủ giấy phép theo quy định. Tuy vậy, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng, với người tiêu dùng, việc phân biệt được thực phẩm đông lạnh còn hay hết hạn. “Với thực phẩm đông lạnh, cơ quan chức năng phải kiểm tra bao gói sản phẩm để xem còn hạn sử dụng hay không. Còn với người tiêu dùng nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì không thể phân biệt được thực phẩm đông lạnh là sản phẩm mới hay đã để lâu ngày. Do vậy, tốt nhất là nên cẩn thận, cân nhắc kỹ khi chọn lựa cơ sở, thực phẩm ăn uống để bảo vệ sức khỏe cho mình”, bà Mai Thị Hồng Hạnh nói. Duy Tiến |