Đầu tư
Bộn bề vướng mắc tại dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Lê Quân - 20/10/2023 08:12
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM đến nay vẫn bế tắc, bộn bề các vướng mắc vì chưa tìm được phương án thanh toán phù hợp, khi cả hình thức thanh toán bằng đất và bằng tiền đều vướng các quy định pháp lý.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn I đã trễ hẹn hoàn thành hơn 5 năm. Tại dự án này, vấn đề vướng mắc lớn nhất là phương án thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư.

Theo hợp đồng BT đã ký trước đây giữa nhà đầu tư và UBND TP.HCM, sau khi hoàn thành dự án, Thành phố sẽ trả cho nhà đầu tư bằng quỹ đất. Tuy nhiên, do hình thức đầu tư BT bị “khai tử” khi dự án đang thi công dở dang, nên dự án phải làm lại các thủ tục pháp lý.

Suốt từ năm 2018 đến nay, TP.HCM đã cố gắng tháo gỡ các vướng mắc, song cũng chưa thể thực hiện được. Ngày 30/9/2023, UBND Thành phố đã có Văn bản số 4852/UBND-DA gửi Chính phủ, báo cáo toàn bộ quá trình thực hiện dự án và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Theo đó, UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng 3 khu đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, các bộ, ngành đề nghị phải thực hiện rà soát pháp lý, điều chỉnh hợp đồng BT trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Cùng với phương án thanh toán bằng đất, UBND Thành phố đã trình HĐND TP.HCM bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương để thanh toán cho dự án là 8.882 tỷ đồng. Thế nhưng, phương án này cũng không thực hiện được vì Nghị định 69/2019/NĐ-CP không quy định việc thanh toán các hợp đồng BT bằng tiền theo tiến độ hoàn thành và chỉ cho phép thanh toán bằng tiền khi dự án hoàn thành.

Như vậy, cả hai phương án thanh toán bằng tiền và quỹ đất đều vướng mà chưa tìm được lối ra.

Một vướng mắc nữa là, UBND TP.HCM và nhà đầu tư chưa xác định được lãi vay phát sinh, điều kiện thanh toán hợp đồng và trách nhiệm của các bên có liên quan. Theo ước tính của nhà đầu tư, dự án có thể tăng vốn lên 13.211 tỷ đồng (tổng mức đầu tư được phê duyệt là 9.976 tỷ đồng). Tổng mức đầu tư cuối cùng sẽ được xác định cụ thể sau khi tính toán, rà soát trách nhiệm các bên có liên quan trong việc làm chậm tiến độ dự án.

Do chưa xác định được tổng mức đầu tư điều chỉnh và tiến độ hoàn thành dự án, nên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chưa đồng ý ký kết phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (nhà đầu tư) để gửi Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian giải ngân.

Theo Văn bản số 4852/UBND-DA, trước đây, Thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương thức thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất chiếm 15% tổng giá trị quyết toán (tương đương 1.477 tỷ đồng); phần giá trị thanh toán bằng tiền (phần chênh lệch) chiếm 85% tổng giá trị quyết toán (tương đương 8.372 tỷ đồng. Để đảm bảo lợi ích về kinh tế - xã hội, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư, UBND TP.HCM tiếp tục kiến nghị Chính phủ chấp thuận phương án thanh toán theo nội dung đã ký kết tại Hợp đồng BT số 2607/HĐ-UBND với tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất là 16%, thanh toán bằng tiền 84%.

UBND TP.HCM cho rằng, phương án thanh toán này đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, do không phải xác định thêm giá trị các quỹ đất bổ sung để thanh toán cho nhà đầu tư. Hơn nữa, thủ tục thực hiện nhanh do Thành phố đã chuẩn bị sẵn quỹ đất và đã bố trí sẵn kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm để thanh toán. Phương án này cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố.

Về phương án tháo gỡ, TP.HCM đề xuất 3 phương án.

Phương án 1, Thành phố thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành bằng đất và bằng tiền, phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận. Đối với phần giá trị thanh toán bằng tiền, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN hướng dẫn BIDV chưa thu nợ, tiếp tục cấp vốn để nhà đầu tư hoàn thành dự án. Sau đó, UBND TP.HCM và nhà đầu tư sẽ nghiệm thu, thanh toán phần còn lại theo hợp đồng đã ký.

Phương án 2, Quỹ Đầu tư phát triển TP.HCM (HFIC) cho nhà đầu tư vay để làm dự án.

Phương án 3, HFIC sẽ nhận ủy thác cho nhà đầu tư vay 1.800 tỷ đồng từ ngân sách TP.HCM để thực hiện phần còn lại (theo quy định của Nghị định số 147/2020/NĐ-CP). Khi công trình nghiệm thu, Thành phố sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng đã ký, sau đó nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ cho HFIC, rồi HFIC hoàn trả lại ngân sách Thành phố.

Cũng theo UBND TP.HCM, phương án 3 là khả thi nhất, vì phù hợp với các quy định của pháp luật. Vì vậy, TP.HCM kiến nghị Chính phủ chấp thuận để Thành phố ủy thác HFIC cho nhà đầu tư vay, hoặc Chính phủ chấp thuận ban hành quy định để HFIC nhận ủy thác cho vay công trình dự án từ ngân sách Thành phố.

Tin liên quan
Tin khác