Trong buổi lễ khai giảng năm học mới tại trường Tiểu học xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, sau khi chùm bóng bay được thả lên sau buổi lễ đã bất ngờ phát nổ khiến 7 học sinh bị bỏng ở tay.
Ảnh minh hoạ. |
Trước đó vài năm, tại Hà Nội đã từng xảy ra vụ nổ chùm bóng bay trang trí trong tiệc sinh nhật khiến nhiều người bị bỏng.
Trên thế giới, đã có nhiều vụ tai nạn nổ bóng bay rất nặng, nên khi trang trí bóng bay trong lễ khai giảng, trong các bữa tiệc, hay ở nơi công cộng.
Nói về các tai nạn từ bóng bay, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn lý giải, bóng bay có thể bay lên, khi bơm khí vào trong bóng bay nhẹ hơn không khí bên ngoài, người bán bóng bay thường bơm khí Hydro hoặc khí Heli.
Hydro là chất khí nhẹ hơn không không khí 15 lần, không màu, không mùi, trong suốt, dễ cháy và nổ ngay cả ở điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường.
Heli là khí trơ nhẹ hơn không khí 8 lần, không màu, không múi, không cháy ở nhiệt độ và áp suất bình thường. Chính vì khả năng cháy nổ kinh khủng, nên Hydro còn được sử dụng làm bom nhiệt hạch, sức công phá mạnh gấp 1000 lần bom nguyên tử.
Vì vậy, những quốc gia phát triển đã cấm bơm khí Hydro vào bóng bay, mà chỉ được phép bơm khí Heli vì khí này không gây cháy nổ như vậy.
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành lệnh cấm bơm Hydro vào bóng bay, trong khi giá Hydro chỉ bằng ¼ giá Heli, nên có thể một số người bán bóng bay vẫn bơm Hydro vào quả bóng.
Khi phát nổ, quả bóng bay chứa Hydro có thể biến thành quả cầu lửa gây bỏng, chưa kể áp lục tạo ra từ tiếng nổ có sức công phá rất lớn, ngoài gây bỏng và tổn thương đụng dập mô mềm, thì mảnh bóng bay thậm chí có thể xuyên qua cổ họng, có thể làm mù mắt.
Vậy bóng bay chứa Hydro phát nổ khi nào? Theo bác sĩ Phúc, khi bóng bay Hydro gặp nhiệt độ cao, ví dụ như ngoài trời nắng nóng, bóng đèn nóng trong nhà nhiệt độ cao, hay người hút thuốc lá tàn thuốc bay.
Nguyên nhân thứ hai, là đùa nghịch với bóng bay Hydro.Trẻ em và người lớn hay thích chơi đùa bóng bay, nếu bên trong có khí Hydro, rất dễ gặp thảm hoạ.
Nguyên nhân thứ ba, đó là khi bóng bay Hydro gặp phải các vật chưa Hydrocarbon thơm, cũng gây cháy nổ.
Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, bằng mắt thường không có cách nào phân biệt được bóng bay Hydro hay bóng bay Heli nên chỉ trông chờ vào người bán có tâm.
Do vậy, chuyên gia này cho rằng, có thể xem xét khả năng ban hành lệnh cấm bóng bay ở những nơi đông người, ví dụ như cấm mang bóng bay trên phương tiện giao thông công cộng, cấm dùng trong những bữa tiệc đông người. Trường hợp mua bóng bay để trang trí, bắt buộc phải hỏi người bán, đảm bảo bóng bay được bơm khí Heli.