Dự án - quy hoạch
"Bức tranh" hạ tầng hoàn thiện, người mua nhà đổ tầm mắt về khu Tây Sài Gòn
B.A - 07/08/2020 08:31
Với loạt hạ tầng đang hoàn thiện, bất động sản ở phía Tây TP.HCM đang mang theo mình tiềm năng phát triển mạnh mẽ chưa từng có trong năm 2020.

Hạ tầng kỹ thuật dẫn lối

Vài năm trở lại đây, hạ tầng khu Tây ngày càng hoàn thiện nhờ sự xuất hiện của các công trình giao thông trọng điểm. Một trong các tuyến đường chính của quận Tân Phú là Lũy Bán Bích đã hoàn thành, được ngầm hóa toàn bộ hệ thống lưới điện, tạo cảnh quan đẹp mắt cho khu vực. Bên cạnh đó, các trục đường kết nối Tây Sài Gòn sẽ được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông lớn giữa khu vực này với sân bay và trung tâm thành phố.

Hai tuyến đường có mật độ giao thông lớn và là điểm nóng về kẹt xe ở cửa ngõ Tây Bắc thành phố là Tân Kỳ - Tân Quý và Trường Chinh chính thức được thành phố triển khai xây dựng nâng cấp và mở rộng.

Theo đó, đường Tân Kỳ - Tân Quý sẽ được mở rộng đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa dài 644,5 m, rộng 30 m, 6 làn xe, với tổng mức đầu tư 742,1 tỷ đồng; và dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh, đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ, tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng trên chiều dài 904 m, rộng 60 m với 10-12 làn xe lưu thông. Hiện cả hai dự án trên đều đã lựa chọn xong nhà thầu và đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo nhiều chuyên gia uy tín, khi điểm nghẽn giao thông này được xóa bó, cửa ngõ ra vào trung tâm TP.HCM được thông thoáng thì bất động sản khu Tây cũng sẽ không ngừng tăng tốc. Thêm vào đó là hàng loạt công trình chống ùn tắc từ khu Tây với sân bay cũng đang rục rịch triển khai trong năm 2020 để kịp theo tiến độ mở rộng nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là tuyến đường nối dài 4 km từ nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện tới đường Cộng Hòa, rộng từ 29,5 m đến 48 m với tổng vốn đầu tư hơn 4,800 tỷ đồng. Ngoài ra, hầm chui đoạn Trường Chinh - Tân Kỳ - Tân Quý và cầu vượt trước khu vực nhà ga T3 để kết nối với sân bay cũng sẽ được xây dựng.

Không những vậy, sau khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chuẩn bị về đích thì tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang được UBND thành phố gấp rút triển khai và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để có thể khởi công vào cuối năm nay. Khi hai tuyến Metro số 2 và tuyến Metro số 6 (kết nối giữa tuyến metro số 3A (Bến Thành – bến xe miền Tây) tại vòng xoay Phú Lâm và tuyến metro số 2 tại Bà Quẹo hoàn thành, các trục đường từ khu Tây vào trung tâm Sài Gòn sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn bao giờ hết.

Bất động sản khu Tây ngày một thu hút nhà đầu tư và người mua nhà để ở.

Như vậy có thể thấy khu Tây đã và sẽ sở hữu hệ thống giao thông được quy hoạch bài bản. Việc di chuyển, kết nối khu vực với trung tâm và liên tỉnh trở nên vô cùng thuận lợi cũng mang đến đòn bẩy cực lớn cho bất động sản khu này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng vào khu Tây để đón đầu cơ hội khi hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, nhu cầu người mua bất động sản tăng lên nhờ vào mặt bằng giá hợp lý và dành cho nhu cầu ở thực sự.

Hạ tầng xã hội hoàn thiện

Theo nhiều chuyên gia, lực đẩy quyết định của khu Tây còn nằm ở hạ tầng xã hội. Xét một cách khách quan thì khu Tây, đặc biệt là quận Tân Phú đang có diện mạo mới với việc sở hữu hệ thống tiện ích tương đối hoàn thiện, trung tâm thương mại AEON Mall; MM Mega, công viên, trường học, bệnh viện…

Đặc biệt, ngày 30/5 vừa qua, dự án bệnh viện Hoàn Mỹ phía Tây quy mô 350 giường bệnh chính thức được khởi công. Đây là công trình bệnh viện đa khoa theo chuẩn quốc tế được xây dựng trên khuôn viên đất rộng 5.185 m2, gồm 1 tầng hầm và 10 tầng cao với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, bệnh viện sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại chỗ cho người dân trong khu vực, nhất là khi xảy ra dịch bệnh có nhiều chuyển biến phức tạp như Covid-19 diễn ra vừa qua, giúp giảm tải cho các bệnh viện công trên địa bàn ở cửa ngõ phía Tây của TP.HCM.

Bên cạnh đó, nhờ sự hiện hữu của khu đô thị Celadon City, hàng loạt tiện ích với công viên cây xanh 16 ha, 3 hồ cảnh quan lớn, khu phức hợp thể dục thể thao nội bộ, hệ thống giáo dục toàn diện đã và đang kiến tạo một phong cách sống mới cho người dân khu vực này.

Theo dự báo của các chuyên gia, bất động sản khu Tây Sài Gòn sẽ còn bùng nổ hơn nữa về giá lẫn giao dịch. Bởi nơi đây là điểm trung chuyển trong mô hình phát triển đô thị tập trung và đa cực của TP.HCM, tạo sức hút với các tầng lớp trí thức tại các cụm kinh tế trong khu vực, từ đó hình thành cộng đồng cư dân tinh hoa. Dự báo trong tương lai gần, bất động sản khu Tây sẽ trở thành đối trọng xứng tầm với khu Nam và cả khu Đông của TP.HCM.

Tin liên quan
Tin khác