Doanh số bán lẻ tháng 4/2022 của Trung Quốc giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: AFP |
Doanh số bán lẻ tháng 4/2022 của Trung Quốc giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức giảm 6,1% được các nhà kinh tế dự đoán với Reuters.
Tháng 4 cũng chứng kiến sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trái ngược với kỳ vọng tăng nhẹ 0,4% của giới phân tích.
Trong khi đó, sản lượng của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và dịch vụ tiện ích lại "ngược dòng" khi ghi nhận tăng trưởng.
Người phát ngôn Cơ quan Thống kê Trung Quốc, ông Fu Linghui cho hay, lĩnh vực sản xuất chế tạo suy giảm 4,6% chủ yếu do sự sụt giảm của ngành sản xuất ô tô và thiết bị. Ngoài Covid-19, ông Fu Linghui cho rằng, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc phải đối mặt với áp lực từ nhu cầu thị trường suy giảm, chi phí gia tăng và nhiều yếu tố khác.
Tháng trước, dịch Covid-19 lan rộng khiến nhiều địa phương ở Trung Quốc phải áp dụng biện pháp phong tỏa và yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, trong đó trung tâm tài chính - thương mại Thượng Hải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bùng phát. Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.
"Môi trường quốc tế ngày càng khắc nghiệt và phức tạp, cộng với cú sốc do đại dịch Covid-19 trong nước vượt dự đoán, áp lực suy giảm đối với nền kinh tế tiếp tục gia tăng", Cơ quan Thống kê Trung Quốc đánh giá.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, tác động của dịch Covid-19 chỉ là tạm thời và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới "dự kiến sẽ ổn định và phục hồi".
Trong khi đó, đầu tư vào tài sản cố định trong 4 tháng đầu năm 2022 tại Trung Quốc tăng 6,8% so với một năm trước, dẫu vậy kết quả này vẫn thấp hơn kỳ vọng tăng trưởng 7%. Trong khi đầu tư vào sản xuất và cơ sở hạ tầng lần lượt tăng 12,2% và 6,5%, thì đầu tư vào bất động sản sụt giảm 2,7%.
Theo Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, sản lượng xe con đã giảm 41,1% trong tháng 4. Còn doanh số bán ô tô trong tháng 4 đã giảm 31,6% so với một năm trước, dù kết quả này vẫn tốt hơn so với mức lao đáy 37% vào tháng 1 và tháng 2 năm 2020.
Số liệu chính thức năm 2018 của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, ngành ô tô đóng góp khoảng 1/6 thị trường việc làm và khoảng 10% doanh số bán lẻ.
Tương tự, doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 4 cũng giảm 22,7%. Các nhà hàng ở Thượng Hải về cơ bản đã phải đóng cửa trong tháng 4, còn tại Bắc Kinh các lệnh cấm kinh doanh dịch vụ ăn uống tại nhà hàng đã có hiệu lực từ đầu tháng 5.
"Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 (ở Trung Quốc - BTV) đã giảm rõ rệt so với đỉnh dịch vào giữa tháng 4, nhưng việc gỡ bỏ các lệnh phong tỏa lại diễn ra cực kỳ chậm, một phần do sự thận trọng của giới chức địa phương", ông Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng tại Tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản) bình luận. "Do đó, chúng tôi dự báo các đợt phong tỏa cục bộ vẫn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của nền kinh tế Trung Quốc và một sự thay đổi nhanh chóng là điều không thể", ông Ting Lu nói thêm.
Hôm qua, ngày 15/5, chính quyền thành phố Thượng Hải thông báo họ sẽ bắt đầu cho phép các nhà hàng dần mở cửa trở lại và dự định khôi phục các hoạt động sản xuất và sinh hoạt trở lại bình thường vào giữa tháng 6.
Đã có thêm chỉ dấu về suy thoái kinh tế Trung Quốc trong tháng 4 khi nhu cầu vay vốn của hộ gia đình và doanh nghiệp đều sụt giảm.
Theo Ngân hàng Trung Quốc Trung Quốc, trong tháng 4 mức cho vay toàn xã hội (TSF), một thước đo phản ánh tín dụng và thanh khoản, đã giảm gần một nửa so với một năm trước, xuống còn 910,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 134,07 tỷ USD).
Tuy nhiên, ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu Macquarie (Australia) tin rằng, nhu cầu tín dụng tại Trung Quốc chỉ sụt giảm trong thời gian ngắn, bởi chính quyền trung ương đã triển khai "hành động đầu tiên ... để cứu thị trường bất động sản" bằng cách hạ lãi suất thế chấp cho người mua nhà lần đầu. Mức lãi suất này được ấn định ở thấp hơn 20 điểm cơ bản so với lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm.
"Việc cắt giảm lãi suất như hiện nay là chưa đủ để xoay chuyển lĩnh vực bất động sản, nhưng sẽ có thêm nhiều động thái nới lỏng thị trường bất động sản", ông Larry Hu nhận định.
Bất động sản và các ngành liên quan đóng góp khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc, theo ước tính của Moody’s.