Tài chính - Chứng khoán
Bùng nổ giao dịch cổ phiếu Sacombank
Thanh Thủy - 22/09/2020 19:08
Sự "yểm trợ" của cổ phiếu ngân hàng giúp VN-Index bảo toàn mốc 900 điểm. Riêng cổ phiếu STB của Sacombank được kéo trần và ghi nhận mức thanh khoản caon nhất trong gần 3 năm.
Cổ phiếu STB tăng kịch trần với khối lượng giao dịch kỷ lục

Cú rơi sâu của thị trường chứng khoán bên kia nửa bán cầu đã ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư Việt Nam trong phiên ATO đầu giờ giao dịch. Chỉ số VN-Index rơi xuống 902,6 điểm nhưng sau đó nhanh chóng bật trở lại.

Chỉ số này có thời điểm về sát mốc 910 điểm và giảm về 906,19 điểm (-1,75 điểm) vào cuối giờ giao dịch. Số lượng các mã giảm cũng lớn áp đảo với 246 giảm điểm, 150 tăng điểm và 57 mã đi ngang trên sàn HoSE hôm nay.

Trái ngược hoàn toàn, chỉ số HNX-Index lại chỉ giảm điểm trong thời gian ngắn, tăng 1,61 điểm lên hơn 132,19 điểm ở thời điểm đóng cửa. Đây cũng là mức cao nhất của chỉ số này trong phiên hôm nay. Nguyên nhân bởi hai cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn nhất nhì sàn HNX là ACB và SHB đều tăng.

Nhóm ngân hàng giao dịch tích cực phiên hôm nay trừ cổ phiếu BID và EIB. Cổ phiếu VCB của Vietcombank và VIC của Vingroup là hai nhân tố lần lượt kéo chỉ số tăng và giảm mạnh nhất thị trường. Trong khi giá VCB tăng 1,2%, VIC lại giảm 1,46%. Giao dịch trái chiều, khoảng cách giữa hai tổ chức niêm yết có vốn hóa cao nhất trên thị trường đã thu hẹp. Giá trị vốn hóa thị trường của Vietcombank đã tăng lên 311.546 tỷ đồng, chỉ còn thấp hơn 8.400 tỷ đồng so với Vingroup.

Tuy vậy, giao dịch nổi bật nhất trong phiên hôm nay lại là cổ phiếu STB của Sacombank. Giá cổ phiếu tăng kịch trần lên 12.550 đồng/cp, đồng thời, khối lượng giao dịch cũng lớn nhất thị trường với 45,7 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. Đây là phiên giao dịch với thanh khoản kỷ lục của STB tính từ cuối năm 2017 đến nay.

Đã có những đồn đoán về việc KienLongBank đạt được thỏa thuận trong việc bán gần 176,4 triệu cổ phiếu STB với giá 18.000 đồng/cp để thu hồi nợ xấu. Đây vốn là tài sản đảm bảo của cá nhân trong nước cho khoản nợ tại ngân hàng này. Giá chào bán từng được KienLongBank đặt khởi điểm ở mức 21.600 đồng/cp hồi giữa tháng 2/2020.

Cũng ngay trong chiều nay, một lãnh đạo của ngân hàng cho biết KienLongBbank sẽ không chốt giá bán thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu, dù đang cần thu hồi nợ xấu. Trong các khoản cho vay của nhà băng này, khoản nợ 1.895,7 tỷ đồng được đảm bảm bằng cổ phiếu của một ngân hàng khác đã được được phân loại vào nhóm 5 – nhóm có khả năng mất vốn theo một quyết định của NHNN hồi cuối năm 2019. Đây cũng là lý do khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của tăng mạnh, tác động tiêu cực đến lợi nhuận của KienLongBank.

Tin liên quan
Tin khác