Viễn thông - Công nghệ
Bùng nổ xu hướng thương mại di động
Bảo Giang - 18/08/2015 15:04
Với chủ đề “Quên ví - đừng quên smartphone”, Diễn đàn Công nghệ - Tech Forum 2015 do Mobiistar tổ chức mới đây tại TP.HCM đã công bố nhiều kết quả khảo sát cho thấy, khuynh hướng mua sắm bằng điện thoại thông minh đang bùng nổ tại Việt Nam.

Báo cáo về thói quen người tiêu dùng Việt Nam do Google (Google Consumer Barometer 2015 - Vietnam) công bố cho thấy, 55% người tiêu dùng Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh (smartphone), 12% có máy tính bảng (tablet) và 46% có PC. Bên cạnh đó, 37% người tiêu dùng tìm hiểu qua kênh trực tuyến những thông tin cần thiết trước khi mua các mặt hàng, trong đó 43% người tiêu dùng sử dụng smartphone để tìm kiếm, so sánh mức giá.

Tương tự, theo khảo sát mua sắm qua di động của MasterCard công bố trong tháng 7/2015, Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh chóng, xếp thứ 5 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), về số người thực hiện mua sắm qua smartphone, tăng từ 34,9% trong năm 2013 lên 45,2% năm 2014, gần bằng mức trung bình 45,6% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thanh toán trên di động, các dịch vụ và ứng dụng giao dịch tiền tệ trên di động đang trở thành tâm điểm của ngành công nghiệp di động và thương mại điện tử

Khảo sát của MasterCard cho thấy, tiện lợi là yếu tố chính thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm trên smartphone, bên cạnh các lý do khác gồm khả năng mua sắm mọi lúc mọi nơi (43,9%) và sự xuất hiện ngày càng nhiều các ứng dụng hỗ trợ mua sắm trực tuyến (39,5%).

Thanh toán trên di động, các dịch vụ và ứng dụng giao dịch tiền tệ trên di động đang trở thành tâm điểm của ngành công nghiệp di động và thương mại điện tử, thay thế cho các giao dịch qua thẻ thanh toán. Hãng nghiên cứu thị trường Juniper Research dự báo, con số giao dịch thương mại qua di động thường niên sẽ lên đến 195 tỷ USD vào năm 2019.

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch HĐQT của M_Services, tính đến tháng 7/2015, ứng dụng mua sắm bằng điện thoại di động MoMo đã có gần 1 triệu người tải dùng ứng dụng, với 500.000 người sử dụng thường xuyên, tăng 400% so với năm 2014. Trong đó, chuyển tiền giữa các tài khoản người dùng (P2P), thanh toán hóa đơn (tiền điện, nước, viễn thông…), nạp tiền điện thoại trả trước hay thanh toán di động các mặt hàng như sách hay vé xem phim là những hoạt động chiếm đại đa số.

Đại diện Sàn thương mại điện tử Lazada cũng chia sẻ, Lazada đã đón đầu xu hướng mua sắm qua di động từ năm 2013 khi ra mắt ứng dụng di động Lazada trên 2 nền tảng smartphone Android và iOS, đồng thời tối ưu độ tương thích của website với thiết bị di động. Kể từ năm 2014, lượng truy cập di động vào Lazada tăng vượt bậc so với lượng truy cập từ máy tính để bàn (desktop). Đến nay, lượng truy cập bằng di động vào Lazada tăng gấp 8 lần so với năm 2014.

Tại Tech Forum 2015, các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng vẫn còn lo ngại về vấn đề an toàn và chưa hiểu rõ tính tiện lợi khi mua sắm trên di động. Trả lời những lo ngại này, Mobiistar đã đem đến Diễn đàn một giải pháp giá bình dân là smartphone LAI Yollo, phù hợp với số đông người tiêu dùng, nhưng vẫn đáp ứng được các yêu cầu về tính tiện lợi và an toàn của mua sắm trên di động.

Ông Ngô Nguyên Kha, Tổng giám đốc Hãng điện thoại thương hiệu Việt Mobiistar cho biết, smartphone Mobiistar sẵn sàng cho các hoạt động giao dịch tài chính, mua sắm trên di động. LAI Yollo là thành viên mới nhất trang bị chip 64-bit từ MediaTek với công nghệ PiP (ảnh trong ảnh) và ViV (video trong video – công nghệ của OmniVision) có thể tương thích với các cổng thanh tóan với các giải pháp được cung ứng bởi Media Tek.

Chia sẻ thêm thông tin này, ông Arthur Wang, Tổng giám đốc Media Tek cho hay, chip MediaTek tích hợp các giải pháp hỗ trợ thanh toán di động, biến smartphone thành chiếc ví điện tử an toàn. Cụ thể, một số giải pháp tích hợp trong chip xử lý MediaTek gồm: bảo mật trong phần cứng (TrustZone/eFuse/On Chip Security RAM), bảo vệ từ khâu khởi động thiết bị (Secure Boot/FOTA/File Protection/Tool/DL), bảo vệ cho hệ điều hành (Trustonic TEE/Watchdata/WHTY/Neusoft), tích hợp cổng thanh toán di động Android Pay, bảo vệ phần cứng lưu trữ (eMMC RPM), bảo vệ giao diện (SPI/I2C)…

Rõ ràng, xu hướng mua sắm, thanh toán qua di động tại Việt Nam đã có sự giúp sức từ nền tảng phần cứng là những smartphone hiện đại tích hợp chip xử lý hỗ trợ giao dịch an toàn, dịch vụ và giải pháp ví điện tử bảo mật, kết hợp cùng những cải tiến từ các sàn thương mại điện tử. Trong tương lai gần, chiếc smartphone sẽ đóng vai trò là thiết bị thanh toán điện tử dự báo xu hướng chuyển dịch từ thương mại điện tử (e-Commerce) sang thương mại di động (m-Commerce) tại Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác