Aeon Bình Dương Canary hiện là trung tâm mua sắm Nhật Bản lớn nhất Việt Nam. |
Cùng với đó, thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2015 - 2018, nhiều hàng hóa nhập từ các nước trong khu vực sẽ rẻ hơn sản xuất trong nước.
Với những động thái đó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng tăng nhập khẩu hàng hóa để kinh doanh hiệu quả hơn và đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư Nhật Bản dịch chuyển dòng vốn sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Yasuo Nishitohge, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho rằng, chính sách mới về thuế này có tác động tích cực đối với những doanh nghiệp bán lẻ như Aeon. “Việc giảm thuế nhập khẩu giúp Aeon đa dạng hóa mặt hàng, giảm giá thành sản phẩm để đem đến nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, giá hợp lý cho khách hàng Việt Nam”, ông Yasuo Nishitohge phân tích.
Một đại gia khác trong lĩnh vực bán lẻ đến từ Nhật Bản là Family Mart cũng đã khẳng định không rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Trước đó, với việc bán lại toàn bộ cổ phần trong chuỗi 42 cửa hàng liên doanh với Tập đoàn Phú Thái cho đối tác của Thái Lan, nhiều thông tin cho rằng,
Family Mart sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện của Family Mart cho biết, lý do bán cổ phần là bởi không còn cùng quan điểm và phương hướng kinh doanh với đối tác, chứ không hề có ý định rời khỏi thị trường Việt Nam. Để minh chứng, đại diện Family Mart cho biết, đến hết năm 2015, Family Mart sẽ có 100 cửa hàng tại Việt Nam và đến năm 2020 sẽ có 800 - 1.000 cửa hàng, chiếm khoảng 30% thị phần tại Việt Nam.
Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), năm 2014, tổng số dự án đã được cấp phép của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là 517 dự án (342 dự án đầu tư mới, 175 dự án đầu tư mở rộng).
Cũng theo JETRO, tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam năm 2014 chỉ bằng 60,9% so với năm 2013, nhưng các dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại dịch vụ lại tăng nhiều về số lượng, dù quy mô nhỏ. Trong đó, các dự án đầu tư có quy mô dưới 5 triệu USD chiếm tới 85%. Nguyên nhân là do các dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ không đòi hỏi nguồn vốn quá lớn. “Trong bối cảnh đồng yên giảm giá so với USD, đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có lợi thế hơn”, đại diện của JETRO nói và cho rằng, ngoài lợi thế cạnh tranh nhờ chất lượng tốt của hàng hóa Nhật Bản, các doanh nghiệp nước này còn có khoản lợi về tỷ giá khi thu về ngoại tệ và đổi ra đồng yên để mua hàng nội địa. Do đó, trong thời gian tới, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ được dự báo còn phát triển hơn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam trong các lĩnh vực dịch vụ như kho vận, logicstics, tài chính, ngân hàng… cũng có động thái thành lập mới doanh nghiệp, đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh. Chẳng hạn, Tập đoàn Japan Logistic Systems đã đầu tư xây dựng các kho chứa tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM; hay Tập đoàn Nissin hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để điều hành một tàu chở hàng chuyên dùng cho doanh nghiệp Nhật Bản, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng…
Theo thông tin từ hãng tư vấn Recof, rất nhiều công ty của Nhật Bản đang quan tâm tới việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể, có đến một nửa danh mục yêu cầu cung cấp thông tin của Recof là các thương vụ của doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có dịch vụ tài chính phi ngân hàng, vận tải, công nghệ, khách sạn, dịch vụ marketing, bán lẻ…
Cũng theo Recof, trong thời gian tới, hoạt động mua bán và sáp nhập của các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ với đối tác Việt Nam sẽ nhộn nhịp hơn.