Tài chính - Chứng khoán
BVH, NTP, BMI hút mạnh dòng tiền, hơn 32.700 tỷ đồng đổ vào sàn chứng khoán
Thanh Thủy - 25/10/2021 17:35
BVH, NTP và BMI hút mạnh dòng tiền và tăng kịch biên độ khi bên mua áp đảo. Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi SCIC thúc thoái vốn tại ba doanh nghiệp trên.

Câu chuyện thoái vốn hút dòng tiền

Dù tăng mạnh khi mở đầu tuần mới, VN-Index vẫn chưa trở lại được mốc 1.395 điểm. Sau nhiều giằng có, chỉ số sàn HoSE vẫn giảm 3,84 điểm (-0,28%) và đóng cửa ở mức thấp nhất phiên - 1.385,4 điểm. Trong khi đó, HNX-Index đã có 6 phiên tăng điểm liên tục và xác lập mức đỉnh mới 395,88 điểm sau khi tăng 1,2% trong phiên. Chỉ số sàn UPCoM cũng đã tăng 5 phiên liên tiếp, đóng cửa ở mức 100,92 điểm.

Thị trường chứng khoán đầu tuần mới đón nhận thông tin từ Bộ Tài chính đề nghị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) triển khai thoái vốn năm 2021 theo kế hoạch đã được thông qua. Thời hạn được đưa ra là ngày 21/12/2021. Ba cổ phiếu được giao tập trung triển khai thoái vốn là BVH (Tập đoàn Bảo Việt), BMI (Tổng CTCP Bảo Minh) và NTP (CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong).

Cổ phiếu của cả ba doanh nghiệp này đều đồng loạt tăng kịch biên độ trong phiên hôm nay. Đồng thời, thanh khoản tăng vọt, thậm chí dư mua trần khối lượng lớn do cạn cung cổ phiếu. Giá trị giao dịch cổ phiếu BVH tăng lên gần 4,5 triệu đơn vị, gấp 3 lần bình quân 10 phiên gần đây. Số lượng cổ phiếu NTP khớp trong phiên vọt lên 252.700 đơn vị, gấp 10 lần lượng khớp bình quân 10 phiên và còn gần 200.000 cổ phiếu đã đặt lệnh mua giá trần/ATC nhưng chưa được khớp.

Hoạt động thoái vốn của SCIC đã khởi động trở lại từ giữa tháng 9/2021. Trong đó đáng chú ý nhất là phiên đấu giá cổ phần VOC tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – CTCP (Vocarimex) dự kiến tổ chức ngày 8/11. Đợt bán vốn CTCP Kỹ nghệ Thực phẩm Á Châu và CTCP Dược Khoa đã hoàn tất nhưng không thu hút bất kỳ nhà đầu tư nào tham gia.

Văn bản đề nghị của Bộ Tài chính được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động thoái vốn của SCIC tại các cổ phiếu được quan tâm hàng đầu, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách gặp nhiều hạn chế. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, SCIC hiện là cơ quan trực thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, không phải Bộ Tài chính như trước đây.

Nhóm VN30 tiếp tục bị "thất sủng", khối ngoại bán ròng mạnh

Ngoài một số cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện thoái vốn, số lượng cổ phiếu tăng giá cũng nhỉnh hơn trong phiên hôm nay. Toàn sàn có 468 mã tăng, 69 mã tăng trần; trong khi số lượng mã giảm giá chỉ hơn 400 cổ phiếu. Tuy vậy, riêng chỉ số sàn HoSE vẫn đóng cửa trong sắc đỏ với 200 mã tăng/240 mã giảm. Rổ chỉ số VN30 gây áp lực đến thị trường khi giảm tới 0,79%. Trong khi đó, VNMid-Index và VNSML-Index lần lượt giảm 0,57% và 0,05%.

Thanh khoản riêng nhóm VN30 cũng chỉ bằng 40% tổng thanh khoản trên sàn HoSE, đạt xấp xỉ 10.905 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch riêng hai cổ phiếu HPG và TCB lần lượt là 2.325 tỷ đồng và 1.464 tỷ đồng. Nhiều phiên gần đây, dòng tiền đang ưu tiên hơn tới nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Giá trị giao dịch trên ba sàn tăng mạnh lên hơn 32.700 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 30.556 tỷ đồng, tăng 22% so với phiên cuối tuần trước.

Khối ngoại lại mạnh tay bán ra trong phiên hôm nay. Giá trị bán ròng trên ba sàn vọt lên 1.234 tỷ đồng. Cổ phiếu VJC  bị bán ròng tới 417 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu khác cũng bị bán mạnh như HPG (141 tỷ đồng), NLG (116 tỷ đồng), VHM (hơn 70 tỷ đồng)…

Tin liên quan
Tin khác