Tài chính - Chứng khoán
Chứng khoán tuần qua: Giao dịch giằng co, VN30 ghì chân thị trường
Thanh Thủy - 23/10/2021 13:58
Với 4 phiên giảm liên tiếp, VN30-Index đang rời khá xa mốc 1.500 điểm. Diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang ghì chân chỉ số chung VN-Index.

Dòng tiền “xa lánh” VN30

Sự tranh chấp quyết liệt giữa bên mua và bên bán khiến VN-Index có một tuần giao dịch giằng co biên độ hẹp. Áp lực bán gia tăng khi VN-Index tiến sát ngưỡng 1.400 điểm, đặc biệt ở nửa sau phiên ngày thứ năm (21/10) – cũng là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 10. Ngưỡng hỗ trợ 1.380 điểm không bị phá vỡ. Sau hai tuần tăng liên tiếp liền trước, VN-Index đóng cửa ngày cuối tuần ở mức 1.389 điểm, giảm nhẹ 3,46 điểm.

Giao dịch nhóm VN30 suy yếu. Không riêng phiên đáo hạn phái sinh, VN30-Index đã giảm liên tiếp 4 phiên và hiện đóng cửa ở ngưỡng 1.488,7 điểm. Cùng đó, giá trị giao dịch các cổ phiếu nhóm này cũng đã giảm đáng kể. Ở phiên thứ Sáu, thanh khoản nhóm VN30 chỉ đạt 6.263 tỷ đồng, tương đương chưa tới 30% tổng giao dịch sàn HoSE, trong khi tỷ lệ này thông thường đạt gần phân nửa.

VN30-Index đã giảm liên tiếp trong 4 phiên, rời ngưỡng 1.500 điểm

Trái với diễn biến giằng co của sàn HoSE, sắc xanh lại áp đảo trên sàn HNX và UPCoM. HNX-Index đóng cửa tăng điểm ở cả 5 phiên trong tuần. Liên tục xô đổ các kỷ lục cũ, chỉ số sàn HNX đóng cửa ở mức 391,21 điểm, tăng tổng cộng 1,65% so với cuối tuần trước và cũng là mức cao nhất trong lịch sử giao dịch. Chỉ số sàn UPCoM cũng tăng 4/5 phiên với mức tăng khiêm tốn hơn (0,9%), vượt mốc 100 điểm.

Dòng tiền đang ưu tiên nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt tại các lĩnh vực được kỳ vọng hưởng lợi từ câu chuyện giải ngân đầu tư công trong quý IV/2021. Top cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất trên sàn HoSE  ghi nhận sự xuất hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản vốn hóa nhỏ, dẫn đầu là PDR (Phát Đạt), DIG, NLG, KDH. Ở chiều ngược lại, hai đầu tàu của ngành ngân hàng là VCB (Vietcombank) và CTG (VietinBank) lại là yếu tố ghìm chân chỉ số mạnh nhất.

Tương tự trên sàn HNX, NVB và BAB cũng là đầu tàu kéo chỉ số giảm. Tuy vậy, sắc xanh vẫn thắng thế. Ngoài nhờ tân binh ngành tài chính KSF (KS Finance) tiếp tục tăng 3,41% so với tuần trước, các cổ phiếu bất động sản như IDC, IDJ, L14, API… cũng là yếu tố hàng đầu đóng góp điểm tăng vào chỉ số chung.

Khối ngoại bán ròng cổ phiếu HPG thu về hơn nghìn tỷ đồng

Trong tuần giảm điểm này, khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ròng cổ phiếu. Đây đã là phiên bán ròng thứ 11 liên tiếp, trong đó, riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng tổng cộng trên 24.100 tỷ đồng.

Trong tuần, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 3.640 tỷ đồng. Tính riêng sàn HoSE, trong tuần từ 18-22/10, khối ngoại bán ròng 3.437 tỷ đồng.

Chỉ riêng giao dịch tại cổ phiếu HPG, nhóm này đã giao dịch thu về 1.017 tỷ đồng, sau khi bán ròng 17,7 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu của vua thép Hòa Phát vẫn đã ở vùng giá đỉnh nhờ thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng đầu năm vừa được công ty này công bố tuần này.

Ngoài HPG bị bán ròng rất mạnh, hơn chục cổ phiếu cũng ghi nhận giá trị bán ròng trên trăm tỷ đồng trong tuần như NLG (528 tỷ đồng), SSI (301 tỷ đồng), VHM (295 tỷ đồng), NVL (253 tỷ đồng)…

Giao dịch khối ngoại khá sôi động trong tuần thứ ba của tháng 10 khi hạn cuối thực hiện tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF đang đến gần (ngày 29/10). Kỳ cơ cấu danh mục của quỹ ETF xây dựng dựa trên bộ chỉ số VNDiamond ghi nhận nhiều điểm chú ý do phương pháp tính chỉ số mới sẽ được áp dụng từ kỳ này. Với việc bổ sung hệ số giới hạn theo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và hệ số giới hạn theo thanh khoản khiến một số cổ phiếu bị giảm tỷ trọng khá mạnh.

Ở chiều ngược lại, dù khiêm tốn hơn, khối ngoại cũng giải ngân thêm nhưng tập trung ở một số ít cổ phiếu gồm VNM (344 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ FUESSVFL – dựa theo rổ chỉ số VN Finlead (163 tỷ đồng) và VHC (141 tỷ đồng)…

Tin liên quan
Tin khác