Cổ phiếu PV Gas đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index tuần qua |
Sau phiên đầu tuần rơi sâu và các phiên tăng giảm xen kẽ liền sau, cả ba chỉ số trên sàn chứng khoán Việt Nam đều giảm nhẹ so với cuối tuần trước. VN-Index từng có thời điểm rơi xuống dưới ngưỡng 1.320 điểm, mức thấp nhất trong một tháng giao dịch gần đây. Sau khi kịp hồi phục, chỉ số này đóng cửa ở mốc 1.334,89 điểm, giảm 16 điểm (-1,2%). Chỉ số sàn HNX và UPCoM cũng giảm điểm, lần lượt đóng cửa ở mức 353 điểm và 95,98 điểm.
Hàng loạt thông tin kinh tế quan trọng trong nước và thế giới tác động đến thị trường tuần qua. Tại Việt Nam số liệu báo cáo tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm được công bố với con số tăng trưởng GDP thấp kỷ lục - âm 6,17% trong quý III, con số tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm cũng ở mức khiêm tốn 7,17% cho thấy đã có sự tụt lùi về dư nợ tín dụng trong tháng 9.
Trong khi đó, tại Mỹ, dự luật cấp ngân sách tạm thời khá trầy trật để được thông qua ngay trước hạn chót, giúp ngăn chặn khả năng đóng cửa chính phủ nhưng cũng chỉ mới đủ cho chính phủ mở cửa đến ngày 3/12. Quả “bom nợ” Evergrande – công ty bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc về doanh thu đã không thể thanh toán cho trái chủ khi đến hạn, nhưng vẫn còn 30 ngày ân hạn khoản vay. Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell nhận định lạm phát đang duy trì tại mức cao và có thể tiếp tục duy trì thêm một thời gian nữa trong bối cảnh tiêu dùng tiếp tục hồi phục, song hành cùng gián đoạn chuỗi cung ứng tại một vài ngành nghề. Giá nhiều loại hàng hoá, nhiên liệu tuần qua tiếp tục duy trì xu hướng tăng.
Các thông tin vĩ mô tiêu cực phần nào khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng. Dòng tiền “mất hút” khi xuất hiện phiên ghi nhận giá trị giao dịch thấp nhất 2 tháng và chỉ trở lại sôi động trong phiên thứ Sáu vừa qua. Trên sàn HoSE, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 19.175,40 tỷ đồng/phiên, giảm 11,70% so với tuần trước. Thanh khoản trên sàn HNX thậm chí còn giảm trên 20%.
Trong tuần, 8/10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index chủ yếu là nhóm ngân hàng, bao gồm VCB, CTG, VPB, TCB, MBB, STB và BID. Tương tự, trên sàn HNX, NVB và BAB là yếu tố chính kéo chỉ số rơi sâu, NVB cũng nằm trong top 10 tác động tiêu cực đến HNX-Index. Với quy mô vốn hoá chiếm hơn 30% toàn thị trường, dòng ngân hàng từng giữ vai trò quan trọng dẫn dắt đà tăng của chỉ số. Nhưng ở thời điểm hiện tại, xu hướng đi xuống của nhóm này cũng đang ghì chân chỉ số. Một số cổ phiếu đang trở về vùng giá thấp nhất 6 tháng như CTG, BID…
Ở chiều ngược lại, đi ngược xu hướng tiêu cực của thị trường, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đà tăng của giá hàng hoá lại hút dòng tiền, kéo giá tăng mạnh. Nhóm dầu khí, đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối khí ghi nhận tuần giao dịch ấn tượng. Cổ phiếu của PV Gas tăng hơn 13% trong một tuần và vọt lên mức cao nhất từ cuối năm 2019. Đây cũng là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số. PVG – cổ phiếu Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam tăng hơn 33%, lọt top 5 cổ phiếu tăng nhanh nhất trong tuần. Nhóm phân bón cũng ghi nhận sự hồi phục ấn tượng như DCM, DPM, DGC…. Thông tin kết quả kinh doanh tại một số doanh nghiệp được hé lộ sớm. Bất chấp khó khăn chung vì dịch, không ít công ty ghi nhận mức tăng trưởng cao như Vicostone, PVTrans...
Khối ngoại ghi nhận tuần bán ròng thứ 8 liên tiếp với tổng giá trị bán ròng trên ba sàn là 1.027 tỷ đồng. Cụ thể, dòng vốn ngoại mua vào hơn 238 triệu cổ phiếu, trị giá 9.891 tỷ đồng, trong khi bán ra 263 triệu cổ phiếu, trị giá 10.917 tỷ đồng.
Riêng trên sàn HoSE, giá trị bán ròng là 1.088,8 tỷ đồng. Cùng đó, dòng tiền từ các tổ chức trong nước cũng thoái lui. Theo dữ liệu của FiinGroup, các nhà đầu tư cá nhân trong nước là bên mua vào mạnh nhất tuần qua (1.418 tỷ đồng). Khối tự doanh cũng giải ngân ròng 146 tỷ đồng.