Lực lượng chức năng giúp dân khắc phục sạt lở đê biển Tây Cà Mau. |
Đặc biệt, đoạn bên trong kè do Công ty Busadco thi công, thuộc tuyến đá Bạc – Kinh Mới (huyện Trần Văn Thời) bị tốc hoàn toàn vải bạt đã được xử lý để chuẩn bị thi công công trình kè. Trong đoạn này đã có 2 điểm, với chiều dài 7 mét bị vỡ mất phần chân đê và sạt lở vào đến phần thân đê (phần mặt đường bê tông), làm cho cát bên trong thân đê bị cuốn trôi ra biển; các đoạn vải bạt hộ đê năm 2017 – 2018 bị tốc hoàn toàn có chiều dài khoảng 200 mét. Các điểm còn lại hầu như đã sạt lở sát thân đê, rơi vào tình trạng đặc biệt nguy hiểm và có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào. Ngoài ra, còn có 4 điểm sạt lở nguy hiểm, với chiều dài 2.045 mét, nằm trên tuyến Ba Tĩnh - Tiểu Dừa.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, qua khảo sát trên toàn tuyến đê biển Tây hiện còn gần 30 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm và có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào.
Qua kiểm tra, trên toàn tuyến đê biển Tây còn 21 điểm sạt lở, với chiều dài gần 30.258 m. Trong đó, bao gồm 7 đoạn, với chiều 2.343 m sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào, cần phải được triển khai hộ đê khẩn cấp; 8 đoạn với chiều dài 5.215 m sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến đê biển cần được xử lý sớm; 6 đoạn bị sạt lở với chiều dài 22.700 m cần được xử lý ngay trong mùa mưa năm nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà mau Nguyễn Tiến Hải kiểm tra, đôn đốc lực lượng chức năng khắc phục sạt lở |
Liên tục những ngày qua, tỉnh Cà Mau đã huy động nhiều lực lượng, phương tiện hộ đê biển thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ngày 6/8, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã trực tiếp đến kiểm tra và động viên lực lượng hộ đê, đồng thời thăm hỏi động viên các hộ bị thiệt hại do thiên tai.
Đi kiểm tra và đôn đốc lực lượng chức năng, địa phương khắc phục sự cố sạt lở tại các điểm xung yếu của huyện trần Văn Thời, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho biết thêm: tuyến đê phòng hộ biển Tây có vai trò ngăn mặn và bảo vệ hệ sinh thái ngọt trực tiếp cho 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Vì thế, nếu đê vỡ, thì cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, công tác hộ đê, ngăn chặn tình trạng sạt lở chân đê là nhiệm vụ cấp thiết.
Đối với những điểm sạt lở nghiêm trọng, UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngành chức năng, thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương túc trực tại hiện trường. Đồng thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng cứu, hộ đê.