Với chủ đề “Phát huy nội lực, lợi thế của tỉnh, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, chương trình Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân tỉnh Cà Mau năm 2024 xoay quanh 5 nhóm vấn đề về nông dân, nông nghiệp, nông thôn mang tính trọng tâm, trọng điểm thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
5 nhóm vấn đề gồm: vai trò, vị trí, phát huy dân chủ và các chính sách nhằm cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nông dân; vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học, kỹ thuật công nghệ cao, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông nghiệp, phát triển sản xuất bền vững; bảo vệ môi trường ở nông thôn, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm; các ngành nghề hỗ trợ cho nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, liên kết trong sản xuất và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp; xây dựng giao thông, thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt phát biểu tại buổi đối thoại với nông dân và doanh nghiệp Cà Mau |
Tại buổi đối thoại, đại diện hội viên nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã đặt ra nhiều vấn đề, phản ánh, kiến nghị và được Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành chuyên môn trả lời, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để nông dân yên tâm đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, liên quan đến các nội dung như: giải pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi ngành nghề có tính chất hủy diệt sang ngành nghề phù hợp; giải quyết vấn đề tín dụng đen; xem xét có cơ chế ưu tiên xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp như cây keo lai, tràm,… để góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong phát triển nông nghiệp; chính sách hỗ trợ bà con bị thiệt hại trong sản xuất; giải pháp thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP và các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, công tác khắc phục thiệt hại do sụt lún, sạt lở gây ra,…
Mô hình nuôi tôm sinh thái Tôm- Lúa cho hiệu quả kinh tế bền vững |
Đặc biệt, với mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, mô hình “tôm - lúa” gắn với phát triển kinh tế tập thể đã được lan tỏa rộng khắp và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và được khuyến khích nhân rộng trên địa bàn tỉnh, là bước đi đúng đắn của tỉnh về phát triển kinh tế thủy sản xanh, sạch, chất lượng và bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng phát triển bền vững.
Năng suất nuôi trồng thủy sản được nâng lên, các sản phẩm thủy sản khác mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần tăng thu nhập và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất của người dân. các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân Cà Mau đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong một số ngành hàng chủ lực của tỉnh như tôm, cua, lúa, gỗ... Ðồng thời, có nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao, an toàn, bền vững và hiệu quả. Cụ thể, đối với con tôm, đã có 22.606 ha vùng tôm - rừng; 565 ha vùng tôm - lúa, đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Mô hình nuôi cua chứng nhận an toàn gắn với cung cấp nguyên liệu cua OCOP tại huyện Năm Căn, Cà Mau |
Hiện nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp Cà Mau đã và đang tập trung ưu tiên chế biến, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm ngành hàng chủ lực của địa phương để trở thành hàng hóa gồm: Tôm, cua, sò huyết, hàu, ba khía gắn với chứng nhận OCOP; tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để phát triển thị trường, hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển tiêu dùng nội địa; tăng cường các hình thức tiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử; tiếp tục hướng dẫn sổ tay về quy trình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng…
Phát biểu tại chương trình đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đề nghị các sở, ngành, địa phương cần có trách nhiệm trong việc hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các ngành chuyên môn chỉ đạo, hỗ trợ hội viên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp hiệu quả, phát triển các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; quan tâm, hỗ trợ hội viên nông dân nghèo, khó khăn phát triển sản xuất. Nâng cao chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo trong sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp; củng cố, nâng cao năng lực chế biến, bảo quản hàng nông sản giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, bà con, hội viên nông dân cần tổ chức thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả và tích cực tham gia kinh tế hợp tác; các tổ chức hội, đoàn thể nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, gắn với trật tự an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới giàu bản sắc đặc trưng vùng Đất mũi Cà Mau.