Cá nhân trong nước tiếp tục giải ngân ròng trên thị trường chứng khoán |
Kết tuần, VN-Index xác lập đỉnh mới vượt mốc 1.470 điểm
Xu hướng tăng tiếp tục áp đảo trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua. HNX-Index đã ghi nhận chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, trong đó riêng tuần này tăng 13,99 điểm, tương đương mức tăng 3,27% và đóng cửa tuần này ở mức 441,63 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 2,27% với 4/5 phiên xanh.
Trong khi đó, chỉ số sàn HoSE giao dịch giằng co với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.473,37 điểm, tăng 1,16% cả tuần. Đây cũng là mức đóng cửa cao nhất trong lịch sử giao dịch của chỉ số này. Thực tế, cả 5 phiên tuần qua, VN-Index đều từng chạm đến ngưỡng 1.470 điểm nhưng nhanh chóng lùi bước sau đó và phải đến phiên giao dịch cuối cùng của tuần mới chính thức vượt qua.
Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức cao. Bình quân mỗi ngày, số lượng cổ phiếu chuyển nhượng riêng trên sàn HoSE vẫn vượt 1 tỷ đơn vị. Dù giảm 2,47% về giá trị so với tuần trước, giá trị giao dịch trên sàn HoSE vẫn đạt 31.166 tỷ đồng mỗi phiên. Trong khi đó, giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đều tăng, lần lượt đạt 4.373 tỷ đồng và 3.189 tỷ đồng mỗi phiên. Trong đó, các cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất là HPG, TCB, SSI, SHB…
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tuần với giá trị bán ròng là 1.423 tỷ đồng. Trong đó, riêng các giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 912 tỷ đồng. Theo dữ liệu của FiinGroup, nhà đầu tư Cá nhân tiếp tục mua ròng đối ứng với tất cả các nhóm nhà đầu tư khác với giá trị mua ròng 3.103 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với tuần liên trước. Khối tự doanh của công ty chứng khoán quay lại mua ròng nhẹ (hơn 31 tỷ đồng). Trong khi đó, tổ chức trong nước bất ngờ bán ròng mạnh gần 2.223 tỷ đồng.
Giao dịch đặc biệt sôi động ở dòng bất động sản, gấp hơn 3 lần tuần liền trước. Các cá nhân trong nước đã mua khớp lệnh ròng hơn 1.700 tỷ đồng cổ phiếu bất động sản trên sàn HoSE, trong khi đó bên bán là tổ chức trong nước (1.070 tỷ đồng) và khối ngoại (737 tỷ đồng).
Dòng tiền giao dịch ở nhóm VN30 vẫn yếu
Không chỉ thu hút dòng tiền, cổ phiếu nhóm bất động sản cũng giao dịch nổi trội trong tuần này. Nhiều cổ phiếu dòng bất động sản tăng giá và trở thành những trụ cột dẫn dắt chỉ số chung. Dù mức vốn hoá khá khiêm tốn, cổ phiếu DIG tăng tới 27,5% trong tuần qua nhờ ba phiên liên tiếp tăng kịch biên độ, từ đó, trở thành cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index.
Trên sàn HNX, L14 và CEO với mức tăng lần lượt 43,2% và 59,2% đã vọt lên trở thành các đầu tàu dẵn dắt chỉ số. Cổ phiếu IDC của IDICO điều chỉnh khá mạnh ở hai phiên cuối tuần nhưng khoảng tăng trước đó vẫn giúp cổ phiếu này nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến thị trường chứng khoán tuần vừa qua.
Vai trò của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn khá mờ nhạt trong tuần khi vẫn chưa rõ ràng xu hướng. Giao dịch ở nhóm VN30 gồm 30 cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hoá lớn cũng đuối hơn nhiều so với giai đoạn trước đây. Tỷ trọng giao dịch VN30 so với toàn sàn HoSE có thời điểm rơi xuống dưới 26%.
Dòng tiền đang chảy mạnh hơn vào nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ. Nhiều cổ phiếu trên sàn UPCoM ghi nhận mức tăng điểm tích cực, đồng thời, thu hút nhiều hơn dòng tiền tham gia giao dịch. Tại phiên giao dịch ngày 12/11, khá bất ngờ khi có tới 127 mã cổ phiếu trên sàn UPCoM tăng kịch biên độ (+15%), tương đương bình quân cứ 5 mã giao dịch trên sàn UPCoM lại có 1 mã tăng trần. Trong đó, không ít cổ phiếu đang giao dịch ở mức giá vài nghìn đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn cũng tăng mạnh mã MSR của công ty Masan High-Tech Materials. Tính chung cả tuần, top 5 cổ phiếu dẫn dắt đà tăng của UPCoM-Index ngoài MSR còn có PGV (Phát điện 3), SJG (Tổng công ty Sông Đà), BSR (Lọc hoá dầu Bình Sơn) và QNS (Đường Quảng Ngãi).