Hiện nay, Việt Nam đang có sản lượng cà phê xuất khẩu đứng thứ 2 trên thế giới, trung bình 1,8 triệu tấn/ năm. Thế nhưng, để loại bỏ hoàn toàn cà phê kém chất lượng như “cà phê bắp, cà phê từ đậu nành” trong thị trường nội địa, thay đổi ý thức của người tiêu dùng Việt, là một hành trình dài và khó khăn đối với doanh nghiệp.
Người Việt chỉ toàn uống “cà phê bắp, cà phê đậu nành”?
Tại Việt Nam, người tiêu dùng phải đối mặt hàng ngày với cà phê trộn phụ gia, không được uống cà phê nguyên chất và lầm tưởng vị cà phê “dởm” pha trộn mới là đúng vị. Rất nhiều phóng sự cảnh tỉnh người tiêu dùng về việc cà phê được chế biến từ hàng chục loại hóa chất, hương liệu. Theo đó, để có màu đậm thì người sản xuất phải bỏ màu caramel, muối, đậu nành; vị đắng thì phải có đậu nành rang cháy, đường thắng tới cháy, thuốc tây có gốc quinin; sánh thì tinh bột, chất tạo đặc như CMC; bọt làm từ chất tạo bọt công nghiệp; mùi thơm thì phải cho rất nhiều hương liệu… tinh sữa, tinh ca cao, tinh cà phê, bơ công nghiệp, đường hoá học, bột vani…
Những hỗn hợp bột bắp, đậu nành, hương liệu, có thể có thêm chút cà phê nguyên chất mà bán đến 50.000 - 60.000 đồng/kg giúp các cơ sở sản xuất cà phê kiểu này thu được lợi nhuận gấp 2, 3 lần.
Việc xử lý nghiêm minh những cơ sở vi phạm, hướng đến sản phẩm đạt chất lượng không chỉ giúp thị trường cà phê Việt nội địa nâng tầm, mà còn là việc làm thiết thực để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng vì các hoá chất, hương liệu công nghiệp đều tiềm ẩn nguy cơ gây hại cao đến gan, thận.
Quản lý quy trình chặt chẽ trong sản xuất, chế biến cà phê |
UTZ, BRC là gì?
UTZ là chứng nhận sản phẩm đạt đúng quy trình từ khâu trồng, thu hoạch cho đến thành phẩm. Có thể hiểu hạt cà phê đạt chứng nhận tiêu chuẩn UTZ cũng như các sản phẩm nông nghiệp hiện nay đạt tiêu chuẩn hữu cơ, Global GAP hay VietGap…
Theo bộ chứng nhận UTZ, sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chí: chất lượng sản phẩm, môi trường canh tác không bị xâm hại, hạn chế sử dụng các hóa chất trong sản xuất, sản phẩm (nguyên liệu và thành phẩm) không có dư lượng thuốc trừ sâu...
Bộ chứng nhận UTZ còn yêu cầu những quy định về xã hội và môi trường như: không được sử dụng lao động trẻ em, đảm bảo chính sách tiền lương, bảo vệ bền vững và đa dạng môi trường thông qua những việc tưởng chừng đơn giản nhưng khó làm như bảo vệ loài thú quý hiếm và loài cây cộng sinh… để che bóng, giữ ẩm cho cà phê.
Sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn UTZ & BRC |
BRC là tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội bán lẻ Anh quốc thiết lập vào năm 1998, thích hợp cho việc kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm. Tiêu chuẩn này được chấp nhận bởi hơn 8.000 doanh nghiệp thực phẩm tại hơn 80 quốc gia.
Một số yêu cầu cơ bản của Tiêu chuẩn BRC bao gồm: Cam kết của lãnh đạo, kế hoạch an toàn thực phẩm - phân tích mối nguy và kiểm soát, hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, truy tìm nguồn gốc, cơ sở và trang thiết bị, vệ sinh, kiểm soát nguyên vật liệu, hoạt động, đào tạo.. ) So với chứng nhận UTZ, bộ tiêu chuẩn BRC quy định rõ các tiêu chí về an toàn thực phẩm, lưu trữ và phân phối, bao bì và nguyên liệu bao bì, đại lý và môi giới toàn cầu… Khi sản phẩm đạt bộ tiêu chuẩn BRC sẽ được các nhà bán lẻ, các công ty dịch vụ thực phẩm và các nhà sản xuất trên toàn thế giới công nhận.
Là một trong những doanh nghiệp cà phê tiên phong đạt cả chuẩn UTZ và BRC, đầu tư 5 tỷ đồng để hỗ trợ, tư vấn nông dân trồng cà phê chất lượng, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc Sinh Group cho biết: “Việc xây dựng thay đổi thói quen người dùng Việt, nhất là thuyết phục nông dân trồng theo tiêu chuẩn UTZ vô cùng khó khăn. Chúng tôi phải vừa nói chuyện 'mưa dầm thấm lâu' với các lão nông trồng cà phê ở Buôn Hồ, vừa tôn trọng kinh nghiệm của họ, vừa mời các chuyên gia khoa học về cà phê nói chuyện với họ về quy trình sản xuất cà phê hiện đại trên thế giới với những tiêu chuẩn mới như UTZ, BRC..."
Các sản phẩm K Coffee đều đạt tiêu chuẩn UTZ & BRC |
Theo ông Thông, muốn có chất lượng cà phê tốt nhất theo tiêu chuẩn UTZ, không chỉ thực hiện những nguyên tắc trong trồng trọt như không sử dụng phân bón và thuộc bảo vệ thực vật quá ngưỡng mà còn phải chú ý công đoạn thu hoạch và sau thu hoạch.
"Có rất nhiều nguyên nhân ban đầu khó thuyết phục người nông dân: Người dân nghi ngờ, sợ rủi ro, sợ tiếp cận với công nghệ mới… Việc chỉ thu hoạch cà phê khi tỷ lệ trái chính trên cành đạt trên 90% (giúp tăng chất lượng, mùi hương cà phê) cũng phải dành nhiều thời gian thuyết phục vì họ sợ bị hái trộm và do 'kinh nghiệm ông bà' trước nay. Dần dà, từ một vài hộ, đến nay đã có 897 hộ với diện tích hơn 1.000 ha đã trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ với sản lượng hơn 2.700 tấn. Sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ dù phải cập nhật nhiều kiến thức và công nghệ mới ban đầu, nhưng về lâu dài sẽ giúp tiết giảm công sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm cao, góp phần xây dựng hệ sinh thái bền vững cho thế hệ tương lai", ông Thông chia sẻ.
Dù sản lượng chưa nhiều, nhưng rõ ràng, đây là những bước đệm quan trọng trong việc thay đổi tư duy của nông dân trồng cà phê hiện nay. Qua đó xây dựng nhu cầu thay đổi khẩu vị và thói quen uống cà phê của người dân: Uống cà phê Việt nguyên chất đích thực dành cho người Việt và sử dụng sản phẩm từ những công ty quan tâm đến môi trường, nhân sinh.