Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm toàn cầu có 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch. Trong đó, nhồi máu cơ tim là cấp cứu khẩn, nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong là 50%.
Tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Tỷ lệ này gấp đôi số người qua đời vì bệnh ung thư, và đây cũng là bệnh lý gây tử vong nhiều nhất hiện nay.
Theo các chuyên gia y tế, nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm, là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim).
Ảnh minh hoạ |
Các bác sĩ cho hay, nhồi máu cơ tim xảy ra khi đột ngột tắc một phần hoặc hoàn toàn một nhánh hoặc cả hai động mạch vành. Nếu nhẹ sẽ gây ra bệnh lý suy tim, tổn thương cơ tim, nếu nặng thì sẽ gây ra một cơn nhồi máu cơ tim cấp.
Kết quả giải phẫu bệnh lý cũng cho thấy, có đến 50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện. Một số bệnh nhân vào viện cũng có thể có tỷ lệ tử vong lên rất cao.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, nhóm bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, từng bị tai biến mạch máu não hoặc có tiền căn nhồi máu cơ tim, tiền căn gia đình có người mắc bệnh động kinh có nguy cơ cao mắc bệnh lý về tim mạch.
Trong khi đó, đột quỵ xảy ra khi mạch máu đến não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, gây hủy hoại các vùng não do thiếu máu oxy.
Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000-225.000 ca đột quỵ, 50% trong số đó không thể qua khỏi. Hiện có khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi từ 18-50. Đáng chú ý, tỷ lệ người trẻ dưới 40 tuổi mắc căn bệnh này, đang tăng trung bình 2% mỗi năm, trong đó số nam giới nhiều gấp 4 lần nữ.
Lý giải nguyên nhân tỷ lệ đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa và gia tăng, PGS.TS Đào Xuân Cơ các bác sĩ cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do lối sống sinh hoạt không lành mạnh, trong đó thói quen về sinh hoạt, ăn uống, ít vận động; thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, ma túy; thức khuya nhiều là những nguyên nhân gây tỷ lệ người trẻ đột quỵ tăng cao.
Chuyên gia y tế cũng cảnh báo, khi bị đột quỵ, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu như đột ngột ngã quỵ, liệt nửa người, méo miệng, nuốt khó, nói khó, hôn mê…
Đa số bệnh nhân đột quỵ sẽ bị xuất huyết não hoặc nhồi máu não khiến người bệnh hạn chế khả năng vận động, giao tiếp, thậm chí có thể nằm liệt giường. Bệnh đột quỵ rất nguy hiểm, gây tàn phế hoặc khiến bệnh nhân tử vong.
PGS-TS.Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân đột quỵ vào Trung tâm tăng qua các năm. Năm 2023, các bác sĩ tiếp nhận 13.228 người, tăng hơn 2.000 ca so với năm trước đó, khoảng 8% là người trẻ. Khoảng 20% bệnh nhân đến viện sớm trong "thời gian vàng", tăng so với trước nhưng vẫn rất thấp so với thế giới.
Theo các chuyên gia y tế, có 2 dạng đột quỵ. Đó là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, trong đó dòng máu và oxy bị gián đoạn gây tổn thương mô não. Nhóm này chiếm khoảng 85% số ca đột quỵ trong tổng số ca đột quỵ và 60% số ca đột quỵ gặp ở bệnh nhân dưới 50 tuổi.
Đột quỵ xuất huyết, máu rò rỉ ra khỏi mạch máu vào hoặc xung quanh não gây tổn thương mô não bên dưới (do tăng huyết áp, dị dạng mạch máu não) chiếm khoảng 15% tổng số ca đột quỵ, nhưng chiếm 40% số ca đột quỵ ở bệnh nhân dưới 50 tuổi.
Hầu hết đột quỵ ở người trẻ liên quan đến yếu tố nguy cơ, như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh. Đột quỵ ở người trẻ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé, đến thời điểm phình mạch đủ lớn gây ra vỡ.
Do đó, chuyên gia y tế khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung và phát hiện sớm dấu hiệu của nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở người trẻ, mỗi người cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn mỡ, da động vật, gan, thức ăn nhanh. Tích cực tập luyện thể thao, hạn chế bia rượu và các chất kích thích.
Đặc biệt, người trẻ không nên chủ quan nghĩ rằng bệnh chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo. Người bệnh cần thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần, chủ động phòng tránh nguy cơ bệnh.