Ảnh minh họa |
Tổng cục Du lịch cho biết, dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4, 1/5 (từ 29/4 đến 3/5/2023), cả nước đón hơn 300.000 lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách nội địa, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có 3,2 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ du khách đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 60%, với những ngày cao điểm đạt trên 70%, một số khu vực đạt tỷ lệ lấp đầy 95-100%.
Sản phẩm du lịch đường biển (tàu biển, du thuyền, tour đảo) được du khách quốc tế ưa chuộng, lựa chọn cao. Đơn cử, Saigontourist đón liên tục 10 đoàn khách quốc tế đến Việt Nam với hơn 5.000 du khách từ Đức, Pháp và các nước châu Á để tham gia tour du thuyền xuyên vịnh. Vietravel đã phục vụ hơn 10.000 lượt khách quốc tế, chiếm 50% số lượng khách phục vụ trong kỳ nghỉ Lễ, sản phẩm chủ đạo được lựa chọn là tour biển, tour du thuyền dài ngày.
Các sản phẩm du lịch được doanh nghiệp chủ động làm mới, liên kết, thu hút đông đảo khách du lịch như: chuỗi các sự kiện thuộc chương trình “Khởi động mùa hè” (Quốc Oai, Hà Nội); các chương trình trải nghiệm sinh thái, gắn với di tích lịch sử và văn hóa tại Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội); chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND và UBND TP.HCM…
Cũng theo Tổng cục Du lịch, lượng khách đặt tour đi nước ngoài tăng mạnh, đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 90%, thậm chí có tour đã hết chỗ như Thái Lan, Hàn Quốc, Bali (Indonesia)… Tại nhiều doanh nghiệp lữ hành, tour outbound chiếm từ 60% đến 80% tổng lượng khách hàng trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5.
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc, sự chủ động chuẩn bị và tổ chức nhiều sự kiện có quy mô lớn của địa phương, trung tâm du lịch, đặc biệt là sự đồng hành của doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thúc đẩy nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan của du khách trong dịp cao điểm du lịch hè 2023.
“Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và đã hoàn toàn vượt qua khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh. Tín hiệu khách quốc tế tăng cũng chứng tỏ hướng đi đúng đắn, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách, chủ động làm mới sản phẩm của mình và chủ động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam hiệu quả”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định.
Nhiều hãng lữ hành cho biết, kỳ nghỉ lễ vừa qua, lượng khách đoàn ít, chủ yếu là khách gia đình, nhóm khách lẻ đi tự túc, trải nghiệm ngắn ngày. Tại Khánh Hòa, chỉ có 1/4 trong tổng số gần 800.000 du khách đến địa phương này nghỉ lại các điểm lưu trú. Tại Vũng Tàu và Đà Lạt có khoảng 1/3 lượng khách nghỉ lại qua đêm.
Về tình trạng này, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist cho rằng, cơ cấu chi tiêu của du khách thường dành 70% cho lưu trú và đi lại, 20% cho ăn uống và 10% cho các chi tiêu khác. Việc du khách chi tiêu ít phần nào cho thấy các sản phẩm, dịch vụ khiến du khách tự nguyện “móc hầu bao” còn nghèo nàn. Điều này dẫn đến thực tế du khách đến đông, nhưng doanh thu thẩm thấu vào nền kinh tế của điểm đến thấp và không bền vững. Bởi, nếu không có những sản phẩm du lịch đặc sắc, giá hợp lý, sẽ khó hấp dẫn du khách quay trở lại.
“Quý I và quý IV là hai mùa cao điểm du lịch của Việt Nam. Tuy nhiên, đã hết quý I nhưng khách quốc tế chưa phục hồi. Các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga… đến Việt Nam còn ít. Trong khi mùa hè, khách châu Âu thường chọn Địa Trung Hải, Caribe hay Thái Lan, Indonesia vì thuận lợi và giá rẻ hơn tới Việt Nam. Do đó, nếu không nhanh chóng có những chiến lược phù hợp, mùa hè này, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục về sau các nước trong khu vực”, ông Nguyễn Hữu Y Yên khuyến cáo.